Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số

08:20 - 08/10/2022

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần bắt nhịp để hội nhập và phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, chuyển đổi số đã trở thành “chìa khóa” giúp doanh nghiệp phục hồi, tăng sức cạnh tranh và bứt phá. Tại Thanh Hóa, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ được tầm quan trọng và đang từng bước nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, có cài đặt ứng dụng gọi xe của Mai Linh, khách hàng có thể dễ dàng đặt xe taxi nhanh chóng và thuận tiện. Cùng với đó, thông tin lái xe, giờ đón được thông báo đến trung tâm điều hành và khách hàng ngay lập tức. Việc triển khai app gọi xe công nghệ là một trong những bước tiến của Mai Linh Thanh Hóa trong thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, đơn vị cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, mang đến những tiện ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp.

Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, công ty đã xây dựng được hệ thống lưới điện thông minh, đưa vào vận hành các trạm biến áp không người trực; lắp đặt công tơ điện tử và sử dụng các phần mềm ứng dụng để quản lý vận hành khai thác dữ liệu từ xa. Thực hiện số hóa toàn bộ dữ khách hàng sử dụng điện; cung cấp hầu hết các dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử và thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với tỷ lệ gần 90% khách hàng sử dụng dịch vụ này… Qua đó, giúp đơn vị tiết kiệm chi phí nhân lực, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số - Ảnh 2.

Ông Hoàng Hải - Phó Giám đốc công ty Điện lực Thanh Hóa

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết, công ty xác định để chuyển đổi số thành công giải pháp tiên quyết trước hết là cần phải chuyển đổi về nhận thức, tư duy của từng cán bộ nhân viên, tiếp đến là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tại Thanh Hóa, các doanh nghiệp đã từng bước chuyển đổi số như: số hóa quy trình quản trị, vận hành doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng; chuyển đổi số bán hàng và marketing thương mại điện tử; ứng dụng thanh toán điện tử; hóa đơn điện tử, chữ ký số; đầu tư máy móc, dây chuyền tự động hóa vào sản xuất... Chỉ tính riêng VNPT Thanh Hóa hiện đang cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho khoảng 6.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ nhu cầu thực tế, việc chuyển đổi số đã được nhiều doanh nghiệp Thanh Hóa quan tâm, coi đây là giải pháp tối ưu hoá chi phí vận hành, nhân sự, tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất, mở rộng thị trường, khách hàng.

Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số - Ảnh 3.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, có 50% trở lên số doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế thực hiện chuyển đổi số. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm là thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông đầu tư vào tỉnh để dẫn dắt chuyển đổi số. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp thuê, mua phần mềm ứng dụng công nghệ; đổi mới dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 8/10/2022