Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo gặp khó khi thương lái đẩy giá

20:37 - 23/09/2023

Giá lúa tăng là niềm vui cho bà con nông dân, thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn, giá lúa, gạo trong nước cao hơn cả giá xuất khẩu. Điểm bất thường này được các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra là do thương lái thu mua lúa và trung gian kinh doanh gạo trong nước đẩy giá.

Hiện nay nguồn cung thế giới khan hiếm, đẩy giá gạo Việt xuất khẩu tăng cao kỷ lục, đã xảy ra tình trạng giành giật mua "lúa non" do đa số doanh nghiệp xuất khẩu không xây dựng được vùng nguyên liệu, phụ thuộc thương lái, môi giới trung gian. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đó buộc phải mua đủ để giao cho đối tác. Trong khi số khác trước thời cơ tăng xuất khẩu gạo với giá tốt, tranh thủ đặt cọc mua lúa sớm, sẵn sàng trả giá cao để không bị mất nguồn nguyên liệu.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu còn lỏng lẻo, yếu kém. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy 50% sản lượng lúa doanh nghiệp thu mua qua thương lái; hơn 12% người dân bán trực tiếp và trên 37% còn lại qua các hợp tác xã. Hiện cả nước có 180 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50% đơn vị ký liên kết với các hợp tác xã để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu đầu vào.

Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo gặp khó khi thương lái đẩy giá - Ảnh 2.

Năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn (tương đương hơn 20 triệu tấn gạo). Đến tháng 8, các địa phương đã thu hoạch hơn 24 triệu tấn lúa. Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).

 

Nguồn: Bản tin nông nghiệp nông thôn thứ 7 ngày 23/9/2023