Độc đáo ngày hội “Hương sắc vùng cao”

Cứ 5 năm một lần, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi xứ Thanh lại hội tụ, cùng nhau khoe sắc trong Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”, Liên hoan Văn nghệ dân gian – Phiên chợ vùng cao. Lễ hội vốn đã đa dạng hoạt động văn hóa độc đáo, Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” năm 2023 lại thêm phần phong phú và đầy màu sắc, bởi sự kiện này được tổ chức tại vùng đất Quế Ngọc Châu Thường, đồng thời với Tuần lễ Văn hóa Thể thao và Du lịch lần thứ 5 của huyện Thường Xuân. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa, du khách gần xa được dịp giao lưu chia sẻ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống.

Lễ hội văn hóa "Hương sắc vùng cao" và Tuần lễ văn hóa du lịch huyện Thường Xuân được mở màn bằng cuộc đua thuyền truyền thống do huyện Thường Xuân tổ chức. Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn cổ động viên, người dân và du khách thập phương đã háo hức có mặt ở hai bên bờ sông Chu để nhiệt tình cổ vũ cho 19 đội thi đến từ các xã, thị trấn và các đội khách mời. 

Độc đáo ngày hội “Hương sắc vùng cao”- Ảnh 1.
Độc đáo ngày hội “Hương sắc vùng cao”- Ảnh 2.

Hoạt động đua thuyền nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, động viên khuyến khích phong trào thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu vui chơi của bà con Nhân dân, quảng bá tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đây còn là dịp để tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên địa bàn, và giao lưu với bà con nước bạn Lào ở những địa phương cùng chung biên giới.

Đặc sắc và độc đáo là từ miêu tả về không gian diễn ra các hoạt động trò chơi, trò diễn dân gian. Nhân dân và du khách có thể hòa mình trong trò chơi "bịt mắt bắt vịt" với những tiếng cười và tràng pháo tay không ngớt; hay hồi hộp, thích thú với trò đánh đu; thể hiện sự khéo léo trong trò chơi ném còn. Khua luống, nhảy sạp cũng là những tiết mục không thể thiếu trong các lễ hội văn hóa dân gian ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế này. Tiếng chiêng trống, tiếng sạp và khua luống hòa với những tiếng cười, tràng pháo tay cổ vũ của đông đảo người tham gia lễ hội, đã mang đến cho bản làng một hòa âm vui tươi, phấn khởi. Lễ hội tiếp thêm nguồn lực tinh thần để mọi người hăng say lao động sản xuất trong những mùa vụ mới, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cha ông.

Độc đáo ngày hội “Hương sắc vùng cao”- Ảnh 3.
Độc đáo ngày hội “Hương sắc vùng cao”- Ảnh 4.

Trong dịp này, Lễ cúng cơm mới, hay còn còn gọi là Lễ mừng cơm mới cũng được bà con bản Mạ, khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân tổ chức. Đây là một trong những tín ngưỡng văn hóa có tính nhân văn sâu sắc có từ lâu đời của dân tộc Thái, được các thế hệ người dân trong bản gìn giữ và phát huy cho đến hôm nay. Đây là dịp để các gia đình, làng bản chung vui, gửi lời tri ân đến các bậc tiền nhân, tiên tổ, thánh thần đã phù hộ cho bản làng có một mùa màng bội thu, cầu mong mùa làm ăn mới mưa thuận, gió hòa, mang đến ấm no, đủ đầy. Thực hiện phần lễ là một thầy mo, người có uy tín trong bản. Đồ lễ trên mâm cúng chủ yếu là những vật phẩm, thành quả lao động của gia đình, làng bản trong năm qua, như: lợn, gà, cá, xôi, rau củ…

Chia tay với bản Mạ, Nhân dân và du khách tập trung về sân vận động trung tâm thị trấn huyện Thường Xuân, để tham gia các hoạt động văn nghệ dân gian, tham quan và mua sắm ở các gian hàng "Phiên chợ vùng cao".

Độc đáo ngày hội “Hương sắc vùng cao”- Ảnh 5.

Mang đến "Phiên chợ vùng cao" năm 2023 là các sản vật của đồng bào 11 huyện miền núi xứ Thanh. "Phiên chợ vùng cao" năm nay được bài trí khá đẹp mắt, đa dạng và phong phú sản phẩm, phản ánh đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ông Phạm Công Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch huyện Quan Hóa, Thanh Hóa

"Phiên chợ vùng cao" năm nay tập trung nhiều nhất là nông sản của bà con 11 huyện miền núi. Đó là quýt hoi của đồng bào Thái ở huyện vùng cao Bá Thước, ổi và bưởi đến từ huyện Thạch Thành, dưa vàng và dưa baby đến từ Thường Xuân… Những năm gần đây, các huyện miền núi Thanh Hóa đã tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản. Nhiều mô hình sản xuất theo chuẩn VietGap, chuẩn hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, đã đem đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tính đến tháng 6 năm 2023, 11 huyện miền núi đã có 79 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. "Phiên chợ vùng cao" cũng là một dịp để những sản phẩm này đến với khách hàng.

Độc đáo ngày hội “Hương sắc vùng cao”- Ảnh 6.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống cũng hội tụ về "Phiên chợ vùng cao" như: các sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Thái, dân tộc Mường; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, luồng ở các huyện Quan Hóa, Lang Chánh…

Ngoài ra, một nét đặc biệt tại phiên chợ này là có một gian trưng bày của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên, tại lễ hội văn hóa vùng cao có sự xuất hiện màu áo xanh đặc trưng của ngành Bảo hiểm xã hội.

Độc đáo ngày hội “Hương sắc vùng cao”- Ảnh 7.

Chương trình Văn nghệ dân gian các dân tộc tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại sân khấu trung tâm huyện Thường Xuân, thu hút hàng vạn khán giả đến xem. Chương trình nghệ thuật tái hiện "Danh nhân Cầm Bá Thước – Rạng ngời đất Châu Thường" với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân và Nhân dân, đã đưa khán giả trở về với không khí hào hùng, bất khuất của đồng bào Thái mường Trịnh Vạn xưa, đã hưởng ứng cờ nghĩa Cần Vương chống lại thực dân Pháp. Tiếp đến là phần thi trình diễn sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Thanh và trình diễn trang phục truyền thống. Đây là dịp để các nam thanh nữ tú miền sơn cước "khoe sắc đua tài", góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Lễ hội văn hóa "Hương sắc vùng cao" năm 2023 đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách. Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc miền núi Thanh Hóa tiếp tục được gìn giữ và phát huy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33, Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hàng Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra.

Nguồn: Chuyên mục Sắc màu các dân tộc xứ Thanh/TTV