Đổi mới tư duy góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp

16:33 - 20/06/2023

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng những chương trình hành động cụ thể, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2020-2025, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 3,41%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nhiệm kỳ 2020 - 2025) trong điều kiện gặp nghiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; bám sát chỉ đạo của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, nên sau nửa nhiệm kỳ thực hiện các chỉ tiêu thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, sản xuất nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng thương  hiệu sản phẩm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 3,41 % (vượt so với chỉ tiêu đề ra hàng năm là tăng 3%).

Đổi mới tư duy góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp - Ảnh 2.

Giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt trên 36.700 tỷ đồng, tăng hơn 3.660 tỷ đồng so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng: Nông nghiệp giảm từ 69,1% năm 2020 xuống còn 67,2% năm 2023; lâm nghiệp tăng từ 7,9% năm 2020 lên 9,2% năm 2023; thuỷ sản tăng từ 23% năm 2020 lên 23,6% năm 2023. Tư duy sản xuất nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa


Đổi mới tư duy góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp - Ảnh 4.

Trong trồng trọt, năng suất hầu hết các loại cây trồng chính đều tăng. Giai đoạn 2021 - 2023, Thanh Hóa đã chuyển đổi được trên 5.300 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời tích tụ, tập trung thêm hơn 17.000 ha, đạt trên 53% so với kế hoạch đề ra cho cả nhiệm kỳ. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến nhân rộng. Công tác bảo vệ thực vật được triển khai thực hiện hiệu quả, phát hiện và khống chế kịp thời các loại sâu bệnh khi mới phát sinh; số lượng, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể.

Nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được định hình, phát triển, được chính quyền các địa phương và người nông dân hưởng ứng, thực hiện hiệu quả. Diện tích thâm canh các cây trồng chủ lực có lợi thế của tỉnh, các vùng cây nguyên liệu được duy trì, phát triển, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Trung bình mỗi năm có trên 80.000 ha cây trồng được liên kết sản xuất vào bao tiêu sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp thu mua chế biến lúa gạo với tổng công suất 180.000 tấn; 25 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả. Quy mô giá trị sản xuất trồng trọt tăng từ 16.000 tỷ đồng năm 2020 lên hơn 17.000 tỷ đồng năm 2023.

Trong chăn nuôi, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt trên 4,65%; quy mô giá trị sản xuất tăng từ 9000 tỷ đồng năm 2020 lên hơn 10.500 tỷ đồng năm 2023. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với năm 2020.

Đổi mới tư duy góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp - Ảnh 5.

Chăn nuôi chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Giống vật nuôi được cải tạo theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật, có năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt công tác phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nên trong hơn hai năm qua không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Riêng từ năm 2020 đến nay, Thanh Hóa đã kêu gọi thu hút đầu tư 35 dự án chăn nuôi quy mô lớn, tổng mức đầu tư trên 17.800 tỷ đồng. Chăn nuôi đã hình thành và ổn định nhiều chuỗi giá trị như: Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty sữa TH true Milk, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia - VietAvis; các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của Công ty TNHH Hiền Nhuần; liên kết thu mua, giết mổ, chế biến lợn sữa xuất khẩu của Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty chế biến súc sản Thanh Hóa; chuỗi liên kết gia công của Công ty CP, Dabaco, Japfa, 3F... chuỗi sản xuất, chế biến của Tập đoàn Xuân Thiện...   

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt trên 6,3%. Hằng năm ổn định diện tích bảo vệ rừng trên 600.000 ha; chăm sóc rừng 40.000 ha và trồng rừng tập trung 10.000 ha trở lên. Tập trung phát triển rừng luồng thâm canh trên 40.100 ha, ổn định diện tích rừng gỗ lớn  56.000 ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt gần 28.500 ha, hình thành 7 chuỗi liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm gỗ. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2023 ước đạt 5,65%. Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, tăng cường bảo vệ rừng tại gốc và thực hiện đồng bộ, an ninh rừng cơ bản ổn định.

Đổi mới tư duy góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp - Ảnh 7.

Lĩnh vực thủy sản phát triển khá đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với chống khai thác IUU và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá không thường xuyên khai thác nên sản lượng khai thác tăng ít; tuy nhiên ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản như: nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, nuôi ngao, nuôi cá lồng trên biển. Phát triển các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hình thức hợp tác để tạo vùng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ như ngao, tôm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 211.000 tấn, tăng 18.244 tấn so với năm 2020.

Đổi mới tư duy góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp - Ảnh 8.

Cùng với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết và hợp tác thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, các chuỗi liên kết trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường, tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Thanh Hoá đã huy động được khoảng gần 92.500 tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó tổng huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới chiếm gần 24%. Đến nay toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện, 352/465 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 324 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (3 - 4 sao), 1 sản phẩm 5 sao. Dự kiến đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn  mới; có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đổi mới tư duy góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp - Ảnh 9.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến, đến hết năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 18 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (phấn đấu vượt chỉ tiêu đề ra). Các chỉ tiêu còn lại, dự kiến sẽ đạt 100% kế hoạch vào năm 2025, gồm: ổn định tổng sản lượng lương thực bình quân 1,5 triệu tấn (giảm 28,5 nghìn tấn so với năm 2023); tỷ lệ che phủ rừng đạt 54% (tăng thêm 0,35% so với năm 2023). Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 32.000 ha (từ nay đến năm 2025 sẽ tăng thêm hơn 9.500 ha để đạt mục tiêu đề ra); tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98,5% (hiện nay đang là 97,5% ).

Trên cơ sở bám sát cả chủ trương của Trung ương, của tỉnh, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách về phát triên nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngành nông nghiêp Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đầu tư ít hơn, hiệu quả cao hơn.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Khối lượng công việc cần thực hiện trong nửa nhiệm kỳ còn lại (2024 - 2025) vẫn còn rất lớn. Do vậy ngoài sự quyết tâm cao của ngành nông nghiệp, thì rất cần các giải pháp thực hiện sáng tạo, đột phá của các địa phương, doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân trong tỉnh. Những kết quả bước đầu đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua sẽ là cơ sở, tiền đề để ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa cùng với các địa phương phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nguồn: Chuyên mục Đưa nghị quyết vào cuộc sống ngày 13.6.2023