Đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện cải cách hành chính

09:26 - 01/05/2023

Nhiều năm trước, Thanh Hóa xếp ở nhóm cuối của cả nước về các chỉ số cải cách hành chính. Để khắc phục, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều mô hình, cách làm mới chưa có trong tiền lệ. Kết quả xếp hạng các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi của Thanh Hóa.

Thủ tục rườm rà, mất thời gian và chi phí đi lại nhiều lần… đây là những "điểm nghẽn" khi công dân đến các cơ quan Nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính trước đây… Còn hiện nay, người dân chỉ cần đến bộ phận 1 cửa các cấp, thậm chí ngồi tại nhà thao tác trên thiết bị kết nối mạng internet, các thủ tục hành chính vẫn được giải quyết nhanh chóng, chính xác.

Đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện cải cách hành chính - Ảnh 2.

Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện toàn diện, rộng khắp công tác giám sát cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, quán triệt đến từng cán bộ, công chức.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: "Chúng tôi thực hiện tuyên truyền trên nhiều kênh, tập trung đầu tư trang bị thiết bị công nghệ thông tin, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng", bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân huyện Đông Sơn cũng cho biết cán bộ tại bộ phận 1 cửa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hướng dẫn nhiệt tình chu đáo, không có hành vi sách nhiễu người dân.

Đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện cải cách hành chính - Ảnh 3.

Ở cấp cơ sở, nhiều mô hình, sáng kiến mới được áp dụng, tạo nhiều đổi thay trong cải cách hành chính, như các mô hình "Thứ ba, thứ năm - ngày không viết", "Thứ sáu - ngày không hẹn", "Lễ tân hành chính" và "Giờ làm việc thứ 9", "Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ"… Hơn 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 

Ông Hoàng Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê, huyện Đông Sơn cho biết,  từ đầu năm huyện đã quán triệt đến từng cán bộ công chức về tác phong công vụ, thực hiện giờ thứ 9 để giúp Nhân dân hoàn thiện các thủ tục.

Đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện cải cách hành chính - Ảnh 4.

Năm 2022, Thanh Hóa xếp thứ 5 cả nước về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), tăng 19 bậc so với năm 2021; xếp thứ 10 về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), tăng 4 bậc so với năm 2021; 2 năm liên tục giữ vị trí thứ 3 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Các nội dung thành phần đều nằm trong nhóm điểm cao của cả nước. Đặc biệt, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở.

Hai nhiệm kỳ liên tiếp, Đại hội Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn "Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh" và "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn" là khâu đột phá để thực hiện. Với quyết tâm cao, Thanh Hóa đang tiếp tục đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, đưa công tác cải cách hành chính trở thành đòn bẩy để hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.