Đóng góp to lớn của Thanh Hóa cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

09:18 - 05/10/2023

Với vị trí quân sự chiến lược quan trọng, Thanh Hóa tự hào là nơi phát tích của khởi nghĩa Lam Sơn gắn với danh tiếng vang dội của Bình Định Vương Lê Lợi vào nửa cuối thế kỉ 15. Trong 6 năm đầu gian khổ và thử thách, vùng căn cứ địa kháng chiến này đã chở che, nuôi dưỡng và là chỗ dựa vững chắc để cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được giữ vững và phát triển lớn mạnh, liên tiếp giành được nhiều thắng lợi to lớn, quét sạch giặc phương Bắc ra khởi bờ cõi nước Nam.

Vùng đất cổ Lam Sơn nối liền một dải với miền rừng núi phía Tây xứ Thanh là căn cứ địa vững chắc để nghĩa quân Lam Sơn tiến hành khởi nghĩa chống lại giặc Minh xâm lược. Giai đoạn 6 năm đầu hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa là giai đoạn dài nhất, gian khổ và khó khăn nhất của nghĩa quân Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo. Bởi khi đó "nghĩa quân mới dấy" mà "thế giặc đương hăng" nhưng với tinh thần, ý chí phi thường của nghĩa sỹ, lại được đồng bào các dân tộc Thanh Hóa  đùm bọc, che chở và là chỗ dựa vững chắc nên nghĩa quân Lam Sơn đã vượt qua mọi hiểm nguy, thử thách, giữ vững và phát triển phong trào. Nghĩa quân Lam Sơn cũng đã triệt để lợi dụng địa hình hiểm trở của núi rừng để tiến hành chiến tranh du kích, tiêu diệt một phần sinh lực của địch, tạo thanh danh, uy tín vang dội. Để từ một cuộc khởi nghĩa của một địa phương, trở thành cuộc chiến tranh Nhân dân giải phóng đất nước.

Đóng góp to lớn của Thanh Hóa cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - Ảnh 2.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: "Thanh Hóa có một vị thế hết sức đặc biệt, khu vực núi rừng Thanh Hóa là nơi rất gần trung tâm đất nước, là nơi hội tụ được tất cả các nơi từ Nam ra Bắc. Vì vậy, đây là xem là nơi có đủ điều kiện xây dựng căn cứ khởi nghĩa, thiên thời, địa lợi, nhân hòa có vai trò quyết định nhất".

Đóng góp to lớn của Thanh Hóa cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - Ảnh 3.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện sử học Việt Nam

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện sử học Việt Nam cho biết: "Trong 6 ở Thanh Hóa rất gian nan phải ăn củ nâu, uống mật ong, giết cả voi cả ngựa để qua ngày cầm cự. Trong 6 năm loay hoay 6 năm gian khổ nếu không có sự ủng hộ, đóng góp của Nhân dân miền núi xứ Thanh cuộc khởi nghĩa không còn. Rất may ngày nay vẫn còn rất nhiều truyền thuyết về đóng góp của miền Tây Thanh Hóa cho khởi nghĩa Lam Sơn".

Ngày nay trên địa bàn miền núi phía Tây Thanh Hóa vẫn còn nhiều những địa danh, những chứng tích lịch sử văn hóa gắn liền với anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Những địa danh đã được ghi vào sử sách như: Lũng Nhai, Mường Mọt (huyện Thường Xuân), Chí Linh, Mường Nanh, Mường Chính (huyện Lang Chánh), Quan Du huyện Quan Hóa, Ba Lẫm, Úng Ải (huyện Bá Thước), Lỗi Giang, Bến Bổng và vùng đất Lam Sơn thuộc huyện Thọ Xuân ngày nay vẫn còn đó như những minh chứng sống động nhất, ghi nhận và khẳng định vai trò, cống hiến của Nhân dân các dân tộc miền núi xứ Thanh trong phong trào giải phóng dân tộc nửa cuối thế kỷ XV mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Đóng góp to lớn của Thanh Hóa cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - Ảnh 4.

Ông Lê Đức Tiến, thủ từ đền Lũng Nhai, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước khi làm nên nghiệp lớn, Lê Lợi đã cùng với 18 vị hảo hán cắt máu ăn thề tại đây để cùng một lòng cứu nước làm nên cơ nghiệp đuổi giặc minh ra khỏi bờ cõi. Địa điểm hội thể Lũng Nhai gắn với dân bản. Người dân nơi đây luôn nghĩ đến Hội thề Lũng Nhai".

Đóng góp to lớn của Thanh Hóa cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - Ảnh 5.

Vùng đất oanh liệt nhưng cũng rất nghĩa tình xứ Thanh đã khởi phát và nuôi dưỡng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong những năm tháng gian khó, hiểm nguy. Từ đây, thanh thế nghĩa quân ngày càng vang dội, tạo đà để phát triển lực lượng và mở rộng phạm vi kháng chiến ra cả nước, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử: giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của nhà Minh, tái thiết lại nền độc lập dân tộc. "Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc. Ngày nay, hào khí Lam Sơn vẫn cuộn chảy trong dòng lịch sử của quê hương đất nước, vang vọng mãi muôn đời.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV