Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật Lao động

15:58 - 15/10/2019

Theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động VN về dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.

Tại Hội nghị Người sử dụng lao động quốc gia năm 2019: Đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) chiều ngày 14.10, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS.Vũ Tiến Lộc khẳng định, cần phải tôn trọng quyền có việc làm của người lao động và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh:ĐT
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh:ĐT

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ luật đã lấy ý kiến rộng rãi rất nhiều các cơ quan đoàn thể, để đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa chủ sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động và một số quan hệ khác liên quan đến quan hệ lao động.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố một số đề xuất liên quan đến các nội dung trong dự thảo Luật Lao động 2012 (sửa đổi) như: Tuổi nghỉ hưu của nữ, giảm giờ làm trong tuần… Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần điều chỉnh tăng từ năm 2021. Tuy nhiên lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.

Do đó cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời Chính phủ cần quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Cần tạo điều kiện để doanh nghiệp có quyền chủ động trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh. Từ đó, nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động để quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động. Tuy nhiên, cần có lộ trình và bước đi phù hợp, tránh gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp cũng như bất lợi cho người lao động.

Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế ILO bà Andrea Prince cho rằng, cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật Lao động. Quá trình làm luật là quá trình cần có sự thỏa thuận và thương lượng, làm thế nào để có thể đưa ra ý kiến tốt nhất. Tất cả mọi người đều mong muốn dự thảo càng dễ dàng, hài hòa và tôn trọng các cam kết về các tiêu chuẩn lao đông quốc tế, giúp cho chúng ta tiếp cận thị trường lao động lớn. Làm thế nào để luật gắn với quyền cơ bản của người lao động, nếu làm đúng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Dự thảo hướng tới tương lai với những thay đổi như việc không cho phụ nữ làm những công việc nặng nhọc độc hại, hay lao động trẻ em…

Theo Minh Hạnh/Báo Lao Động