Đức sẵn sàng bàn giao tuabin đường ống khí đốt cho Nga

23:30 - 04/08/2022

Ngày 3/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tuabin của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), vừa được bảo trì ở Canada, đã sẵn sàng hoạt động và có thể bàn giao cho Nga bất cứ lúc nào.

Đức sẵn sàng bàn giao tuabin đường ống khí đốt cho Nga - Ảnh 1.

Phát biểu sau chuyến thăm đến nhà máy của Siemens Energy ở thành phố Muelheim an der Ruhr, Thủ tướng Scholz nêu rõ tuabin sẽ được nhanh chóng bàn giao cho Nga nếu Moskva khẳng định muốn có tuabin này đồng thời cung cấp thông tin cần thiết về vấn đề vận chuyển và thủ tục hải quan. Tuabin của Dòng chảy phương Bắc 1, hệ thống do tập đoàn năng lượng Nga Gazprom kiểm soát, đã được gửi đến nhà máy của Siemens Canada ở Montreal để định kỳ bảo dưỡng và sửa chữa. Tuabin này được trả lại Đức kể từ giữa tháng 7 và hiện đặt tại nhà máy Siemens ở Muelheim an der Ruhr.

Cùng ngày 3/8, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, đang ở thăm Canada, và người đồng cấp nước chủ nhà Melanie Joly nhất trí cho rằng quyết định của Canada gửi trở lại Đức tuabin đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 là cần thiết. Tuyên bố này được hai ngoại trưởng đưa ra tại cuộc gặp ở Montreal để thảo luận về tác động của xung đột Nga-Ukraine đối với giá năng lượng và lương thực.

Canada hồi tháng 7 đã quyết định "lách" các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vì không muốn các lệnh trừng phạt gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Canada đã cấp cho tập đoàn Siemens Energy quyền miễn trừ trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt Nga của Canada, cho phép Siemens Energy gửi tuabin từ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến các cơ sở của Siemens Canada để định kỳ bảo dưỡng và sửa chữa..

Trong diễn biến liên quan chính phủ Pháp ngày 3/8 cảnh báo các công ty có thể phải giảm sử dụng năng lượng trong mùa Đông này ngay cả khi trữ lượng khí đốt tự nhiên của nước này ở mức tối đa, do Nga tiếp tục giảm xuất khẩu khí đốt đến Châu Âu. Trong một phát biểu, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết: "Những người dùng chính, gồm các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, phải giảm mức tiêu thụ khí đốt cũng như điện, bởi hai hệ thống này có mối liên hệ với nhau." Mặc dù Pháp ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga hơn so với các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) khác, song lĩnh vực công nghiệp của nước này vẫn dựa vào khí đốt và hàng triệu người sử dụng nó để sưởi ấm nhà ở. Pháp cung cấp khoảng 3/4 sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân.


Nguồn: Bản tin Thời sự quốc tế tối/TTV