EU gia tăng căng thẳng với Mỹ xung quanh Đạo luật Giảm lạm phát

20:00 - 05/12/2022

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 4/12 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hành động và tăng cường viện trợ nhà nước cho các công ty trong khối để cạnh tranh với ngành công nghiệp xanh của Mỹ được chính phủ nước này trợ cấp theo Đạo luật Giảm Lạm phát.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật vào tháng 8, Đạo luật Giảm Lạm phát là một gói chi tiêu trị giá 738 tỉ USD, trong đó phân bổ 391 tỉ USD cho các dự án công nghiệp thân thiện với khí hậu và năng lượng xanh, bao gồm 270 tỉ USD ưu đãi thuế. Ban đầu Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ được những người theo chủ nghĩa tự do ở cả hai bờ Đại Tây Dương ca ngợi. Tuy nhiên giờ đây bà von der Leyen coi đạo luật này của Mỹ là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp châu Âu khi đạo luật Giảm Lạm phát cung cấp các khoản giảm thuế cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất ở Mỹ. Theo bà von der Leyen, điều này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, có khả năng đóng cửa thị trường và từ đó làm phân mảnh chuỗi cung ứng quan trọng. Chủ tịch EC von der Leyen nhấn mạnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và EU phải tôn trọng sự bình đẳng và các nước phải hành động để cân bằng lại sân chơi. Và để đạt được mục tiêu đó, bà von der Leyen cho rằng EU phải tăng viện trợ nhà nước cho các ngành công nghiệp trong nước và đầu tư vào năng lượng tái tạo, đồng thời vận động hành lang với Mỹ để giải quyết một số khía cạnh đáng lo ngại nhất do đạo luật tạo ra.

Trước đó, cùng ngày, Uỷ viên phụ trách Thị trường Nội địa châu Âu - ông Thierry Breton đã kêu gọi thành lập "Quỹ chủ quyền châu Âu" với ngân sách vào khoảng 2% GDP của EU, tương đương với khoảng 350 tỷ euro, để thúc đẩy nền công nghiệp châu Âu cũng như tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp số và chuyển đổi Xanh, nhất là đối phó với đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Theo đó, EU cần tiến hành sửa đổi các quy định chặt chẽ trong các ngành công nghiệp ưu tiên như điện gió, điện mặt trời cũng như mạng lưới điện để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 5/12