EU xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt

18:43 - 07/12/2022

Ngày 6/12, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt thấp hơn, ở mức 220 euro (231 USD), trong bối cảnh một tuần nữa là đến cuộc họp của các Bộ trưởng năng lượng được kỳ vọng giải quyết được vấn đề mức giá trần giá khí đốt gây chia rẽ sâu sắc giữa 27 nước thành viên.

Một số quốc gia EU, trong đó có Đức - nền kinh tế lớn nhất EU đã phản đối ý tưởng về bất kỳ mức giá trần nào, cho rằng việc này có thể gây khó hơn cho việc bảo đảm nguồn cung. Trong khi đó, Bỉ, Italy và Ba Lan coi việc áp giá trần là cách để bảo vệ người tiêu dùng và nền kinh tế các nước này trước giá năng lượng quá cao.

Một số nhà ngoại giao EU cho rằng, các nước thành viên vẫn không thay đổi quan điểm của mình và sẽ cần tiến hành cuộc họp khác vào ngày 19/12 sau cuộc họp cấp Bộ trưởng năng lượng EU ngày 13/12. Dự kiến, các nhà ngoại giao EU ngày 7/12 sẽ thảo luận về đề xuất mới nhất này nhằm nỗ lực tiến gần hơn một thỏa thuận.

EU xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt - Ảnh 1.

Trong diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 6/12 cho biết, trong tháng 12 này, Nga sẽ thực hiện cơ chế ứng phó với việc phương Tây áp mức giá trần đối với dầu mỏ của nước này. Theo đó, Nga sẽ cấm xuất khẩu dầu mỏ trong diện bị áp giá trần. Phó Thủ tướng Novak cho biết thêm Nga đang thay đổi các chuỗi logistic để ứng phó việc phương Tây áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga.

Liên quan vấn đề trên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần thay đổi chính sách trừng phạt Nga, vì khối này đang chịu thiệt hại nhiều hơn so với Mỹ do xung đột Nga - Ukraine. Theo ông, EU nên tập trung vào việc đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng thay vì cố áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Ông Orban cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng "hậu quả của xung đột Nga - Ukraine ở hai bờ Đại Tây Dương không giống nhau".

Trước đó, trong chương trình của CBS ngày 4/12, ông Macron nói rằng tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với Mỹ và EU có sự khác biệt lớn, vì EU chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí đốt từ nước ngoài, trong khi Mỹ là nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.


Nguồn: Bản tin TSQT, 7/12