Gần 40 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi do đại dịch COVID-19

09:42 - 25/11/2022

Gần 40 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi do chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Đây là thông tin được đề cập trong báo cáo công bố ngày 24/11 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đồng soạn thảo.

Gần 40 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi do đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Trong năm 2021, những đứt gãy do đại dịch COVID-19 gây ra khiến 25 triệu trẻ em mất cơ hội tiêm liều vaccine ngừa bệnh sởi đầu tiên. Khoảng 14,7 triệu trẻ em khác rơi vào tình cảnh không được tiêm liều vaccine thứ hai. Đây được coi là bước lùi trong nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh sởi.

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vaccine ngừa COVID-19 được phát triển thời gian ngắn kỷ lục và đi kèm đó là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Nhưng các chương trình tiêm ngừa khác bị đã bị đứt gãy nghiêm trọng, khiến hàng triệu trẻ em lỡ cơ hội tiêm chủng chống lại các bệnh dịch chết người như bệnh sởi.

Người đứng đầu WHO nhìn nhận đưa các chương trình tiêm chủng trở lại quỹ đạo bình thường là điều đặc biệt quan trọng. Đằng sau mỗi con số trong báo cáo này chính là việc trẻ em đứng trước nguy cơ mắc căn bệnh mà hoàn toàn có thể ngăn chặn được.

Tính trên toàn cầu, có khoảng 9 triệu ca mắc bệnh sởi trong năm 2021, với 128.000 trường hợp tử vong. Có 22 nước phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch sởi lớn và tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2022 ở một số nước. Báo cáo do WHO và CDC đồng soạn thảo cho rằng suy giảm độ bao phủ vaccine, biện pháp giám sát dịch suy yếu cùng với đứt gãy và trì hoãn tiêm chủng do đại dịch COVID-19 khiến bệnh sởi là mối đe dọa hiện hữu đối với tất cả các khu vực trên thế giới.

Trong khi đó, Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan ngày 23/11 đã cập nhật khuyến nghị về sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi. Theo đó, Phần Lan sẽ tiến tới không còn khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ khỏe mạnh từ 5 - 11 tuổi do lứa tuổi này có nguy cơ thấp mắc COVID-19 thể nặng. Chỉ những trẻ thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh thể nặng trong lứa tuổi này mới được khuyến nghị cần tiêm vaccine. Những trẻ thuộc nhóm nguy cơ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi sẽ cần tiêm vaccine dưới sự giám sát của 1 nhân viên y tế. Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan nêu rõ: "Việc tiêm liều vaccine cơ bản sẽ hiệu quả đối với trẻ độ tuổi này có bệnh lý nền, vốn dễ có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng". Trong khi đó, Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan vẫn không thay đổi khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi.

Cùng ngày, giới chức y tế Brazil cho biết nước này sẽ áp dụng trở lại biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại sân bay và trên máy bay từ cuối tuần này trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 bất ngờ tăng mạnh từ đầu tháng đến nay. Theo thống kê chính thức, từ đầu tháng 11 đến nay số ca mắc COVID-19 mới tại Brazil đã vượt 95.000 ca, tăng 292% so với một tháng trước đó. Giới chức y tế cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong thời gian qua một phần là do chiến dịch tiêm chủng đã không còn được chú trọng như trước đây, cũng như việc xóa bỏ nhiều biện pháp phòng chống dịch. Brazil đã dừng áp dụng biện pháp sử dụng khẩu trang bắt buộc từ hồi tháng 8.

 Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 24/11 thông báo số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng trước đó 1 ngày tại Trung Quốc đại lục là 3.927 ca. Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, nhiều thành phố của Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Tại thủ đô Bắc Kinh, các trung tâm thương mại và công viên phải đóng cửa, trong khi giới chức hối thúc người dân hạn chế tối đa việc ra ngoài.

Nguồn: Bản tin Thời sự quốc tế/TTV