Giá luồng giảm, người trồng luồng bị giảm thu nhập

18:45 - 12/12/2023

Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 70.000 ha tre, luồng tại các huyện miền núi, với trên hàng chục nghìn hộ dân có thu nhập chủ yếu dựa vào cây luồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá luồng giảm nên thu nhập của người dân trồng luồng cũng giảm theo.

Giá luồng giảm, người trồng luồng bị giảm thu nhập

Trước đây, bình quân mỗi ngày người dân trồng luồng có thể khai thác cho thu nhập đạt từ 200 đến 300 nghìn đồng, thì nay chỉ còn khoảng 100 nghìn đồng. Thu nhập giảm nên người dân cũng không còn mặn mà, gắn bó với việc chăm sóc, phát triển rừng luồng.

Giá luồng giảm, người trồng luồng bị giảm thu nhập- Ảnh 1.

Nguyên nhân giá luồng giảm chủ yếu là do các doanh nghiệp chế biến lâm sản gặp khó khăn về đẩu ra nên đã cắt giảm sản xuất, khiến cho việc thu mua luồng của người dân cũng giảm. Trước đây, bình quân mỗi ngày Hợp tác xã chế biến Lâm sản Sông Mã tiêu thụ khoảng 120 tấn luồng. Do thị trường xuất khẩu sản phẩm giấy, vàng mã gặp khó khăn, đầu ra tiêu thụ chậm nên đơn vị cũng chỉ duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng, việc thu mua luồng giảm mạnh.

Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chế biến Lâm sản Sông Mã

Ngoài ra, do hiện tại đang là thời điểm cây luồng cho sản lượng khai thác cao, trong khi không có sự liên kết giữa người dân trồng luồng với các đơn vị sản xuất nên dẫn đến việc khai thác vượt quá nhu cầu thị trường.

Giá luồng giảm, người trồng luồng bị giảm thu nhập- Ảnh 2.

Để nâng cao giá trị cây luồng, vấn đề đặt ra trong một thời gian dài chưa được giải quyết đó là xây dựng chuỗi lên kết trong sản xuất và chế biến luồng; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, đa dạng sản phẩm từ luồng. Chính quyền các địa phương có vùng nguyên liệu luồng chú trọng xây dựng, củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và chế biến để phát triển vùng luồng bền vững.



Nguồn: Bản tin Thời sự 18h30 TTV