Gia tăng lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài

20:55 - 06/04/2023

Với những lợi thế sẵn có cùng sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã thu hút được 143 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD. Với kết quả này, Thanh Hóa hiện đang đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ những dự án tầm cỡ khu vực và quốc gia, đã tạo vị thế và sức hút đầu tư cho Thanh Hóa trong hành trình thu hút thêm những dự án mới.

Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã đi vào hoạt động, vận hành hiệu quả đã đóng góp đột phá vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Đáng chú ý nhất là "Siêu dự án" Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - một dự án trọng điểm của cả nước, có tổng mức đầu tư khoảng 9 tỉ USD, tiếp đến là 2 dự án FDI  lớn về điện là nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, với tổng mức đầu tư gần 4 tỉ USD… Có thể nói, môi trường đầu tư vào Thanh Hóa liên tục được cải thiện và chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài được triển khai và đi vào hoạt động với tốc độ nhanh, được nhà đầu tư đánh giá cao.

Gia tăng lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Ông Jubok Lee, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thanh Hoá

Ông Jubok Lee, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thanh Hoá cho biết: "Nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh Thanh Hoá thì không có thành công của dự án như ngày hôm nay. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá vật tư tăng cao; nhiều thời điểm các chuyên gia bị cách ly, hoạt động thi công bị hạn chế vì giãn cách. Tuy nhiên, sự đồng hành của tỉnh Thanh Hóa đã giúp chúng tôi vượt qua được mọi trở ngại. Dự án của chúng tôi hoạt động trong vòng 25 năm trước khi chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam tiếp tục vận hành và trong thời gian đó, chúng tôi sẽ đóng góp nhiều cho Thanh Hoá, ngoài đóng góp cho ngân sách chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội ở địa phương."

Gia tăng lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hải, Công ty TNHH South Asia Garments Limited

Ông Nguyễn Văn Hải, Công ty TNHH South Asia Garments Limited cho biết thêm: "Chúng tôi đầu tư vào Thanh Hoá là do có nhiều yếu tố thuận lợi như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, giao thông và ngoài ra còn có các yếu tố về con người, dân số đông và trẻ."

Đặc biệt, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận các nhà đầu tư, các nguồn vốn quốc tế thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư. Không chỉ còn là tham quan, học hỏi, các chuyến thăm của lãnh đạo tỉnh tới các quốc gia có tiềm năng được gắn cùng các hội nghị xúc tiến nhằm nêu rõ cơ hội hợp tác, cơ chế khuyến khích. Bên cạnh đó tỉnh cũng tổ chức tiếp đón, làm việc, đưa nhiều tổ chức, tập đoàn, ngân hàng đi khảo sát thực địa, tìm hiểu và lựa chọn cơ hội đầu tư tại các khu vực trọng điểm. Đồng thời, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chỉ đạo giải phóng mặt bằng; giải quyết vướng mắc về quy hoạch tại các cụm công nghiệp; làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết khó khăn cho các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn và một số dự án trọng điểm, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và tạo lực hút đầu tư. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 7 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD. Trong quý I năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được 14 dự án đầu tư trực tiếp, gồm 13 dự án đầu tư trong nước và 01 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.738 tỷ đồng và 1 triệu USD. Những thành quả trong thu hút đầu tư đã và đang tiếp thêm sức mạnh to lớn cho Thanh Hóa không ngừng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Gia tăng lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài - Ảnh 4.

Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3-6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung nguồn vốn đầu tư công vào những dự án trọng điểm, với phương châm "đầu tư công dẫn dắt nhà đầu tư". Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; khai thác hiệu quả các đối tác chiến lược, chú trọng vận động, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Ngoài cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng hạ tầng, kết cấu các khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch và xem đây là yếu tố quan trọng để hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI.

Nguồn: Chuyên mục Thông tin đối ngoại ngày 06/04/2023