Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hóa giảm nhỏ giọt

10:31 - 03/08/2022

Sau bốn kỳ giảm liên tiếp, giá xăng dầu đã thấp hơn 7.000 đồng/lít so với cuối tháng 6. Tuy nhiên hàng hóa, lương thực thực phẩm trên thị trường vẫn giữ mức giá cao.

Việc giá xăng dầu giảm mạnh được kỳ vọng sẽ góp phần hạ nhiệt giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Vì đây là nguồn nhiên liệu đầu vào của nhiều quy trình sản xuất và đóng vai trò quyết định giá thành vận chuyển. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người dân, nhiều loại hàng hóa trên thị trường vẫn giữ nguyên giá hoặc chỉ giảm nhỏ giọt.

Khảo sát tại một số khu chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội như Giáp Nhị, Nguyễn Công Trứ,... giá thịt lợn đã giảm nhẹ, khoảng 10.000 đồng/kg. Chị Đỗ Thị Liệu, tiểu thương chợ Giáp Nhị cho biết giá bán của thịt nạc vai là 120.000 - 130.000 đồng/kg; ba chỉ, sườn non 130.000 - 140.000 đồng/kg. Mức giảm không nhiều do mặt hàng này chủ yếu phụ thuộc vào giá thịt lợn hơi. Từ đầu tháng 7 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi lên cao cùng với việc thị trường Trung Quốc tăng mua thịt lợn khiến nguồn cung trong nước bị hạn chế.

Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hóa giảm nhỏ giọt - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi leo thang cũng khiến nhiều giá các loại thịt, trứng gia cầm chưa hạ nhiệt. Gà nguyên con hiện có giá khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg; đùi gà 75.000 đồng/kg. Trứng gà hiện có giá 35.000 đồng/chục, tăng khoảng 5000 đồng do nhiều trang trại đang giữ trứng để tái đàn trong thời gian tới.

Ở nhóm mặt hàng rau củ quả, giá giữ ở mức ổn định. Cụ thể: Bí ngô 15.000 - 17.000 đồng/kg; mướp đắng 14.000 đồng/kg; ngô 7000 đồng/kg; đậu cô ve 20.000-30.000 đồng/kg; rau muống 10.000-12.000 đồng/kg;... Bên cạnh đó, dầu ăn hiện có giá khoảng 125.000 đồng/chai 2 lít, giảm khoảng 2.000 - 3.000 đồng.

Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hóa giảm nhỏ giọt - Ảnh 2.

Dù giá xăng đã lao dốc, nhiều mặt hàng vẫn neo giá ở mức cao hoặc chỉ giảm nhỏ giọt.

Cơn bão giá khiến chi tiêu của nhiều người tiêu dùng bị đảo lộn. Theo chị Vũ Thu Hoài (trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), trước khi xăng tăng giá, mỗi tháng chị tốn 8 triệu đồng để đi chợ. Giá lương thực thực phẩm tăng trong tháng 7 khiến gia đình phải chi thêm 1 triệu đồng mới lo đủ phần ăn cho 5 người. Tương tự, Hoàng Đức Thái - sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cho biết nhiều món ăn trong thực đơn các cửa hàng cơm bình dân cũng đã tăng từ 5.000 - 10.000 đồng.

Từ cuối tháng 6 đến nay, giá xăng đã giảm khoảng 6.600 - 7.200 đồng/lít. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn chỉ đang tiếp tục theo dõi xu hướng giảm vì cho rằng các kỳ điều chỉnh gần đây chỉ mang tính thời điểm, chưa bền vững. Do đó, xăng dầu hạ giá chỉ góp phần giảm đà tăng của hàng hóa, chưa thể khiến giá cả quay đầu. Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, chi phí xăng dầu chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu giá thịt gia súc, gia cầm. Do đó, xu hướng giảm của giá xăng không tác động quá lớn đến mặt hàng này.

Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hóa giảm nhỏ giọt - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, sau khi giá xăng dầu hạ nhiệt, ngư dân bắt đầu ra khơi nhiều trở lại. Giá hải sản trong thời gian tới có thể giảm.

Trong bối cảnh đó, ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý./.

Nguồn: vov.vn