Giải pháp hỗ trợ học sinh gặp khó tại các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn

08:35 - 15/03/2023

Trước những khó khăn của học sinh sau khi xã không còn được hưởng chính sách theo tiêu chí vùng đặc biệt khó khăn, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp linh hoạt để hỗ trợ, giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đến trường.

Từ giữa năm 2021, xã Phú Xuân, huyện Quan Hoá trở thành xã bước đầu phát triển. Học sinh không còn được hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú. Trong khi đó, đời sống học sinh ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Trường Tiểu học Thanh Xuân đã nỗ lực kêu gọi các cá nhân, tổ chức từ thiện hỗ trợ bữa ăn bán trú để các em học sinh yên tâm tiếp tục đến trường. Ông Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân, huyện Quan Hoá cho biết: "Để gần 300 học sinh Trường tiểu học Thanh Xuân được ăn bán trú tại trường, nhà trường kêu gọi chung tay xã hội hoá giáo dục. Nhà trường kêu gọi các tổ chức thiện nguyện như Dự án trẻ em vùng cao Thanh Hoá, bạn bè cán bộ, giáo viên, chung tay mua đồ dùng bán trú và hỗ trợ gạo cho các em. Từ khi bán trú hoạt động trở lại đến nay, học sinh đi học rất chuyên cần, chất lượng giáo dục được nâng lên".

Giải pháp hỗ trợ học sinh gặp khó tại các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh 2.

Sau khi nhiều địa phương ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhưng thực tế đời sống của nhiều hộ dân khu vực này vẫn chưa thay đổi nhiều. Do vậy khi không còn được hỗ trợ ăn, ở bán trú, nguy cơ học sinh bỏ học, đi học không đầy đủ là rất lớn. Để các em đi học đầy đủ, chuyên cần, một số nhà trường kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên và các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ tiền ăn bán trú hoặc cơ sở vật chất cho các em được ở lại trường... Đặc biệt là thường xuyên nắm bắt tình hình để vận động học sinh đến trường…

Ông Đỗ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thanh, xã Phú Thanh, huyện Quan Hoá cho biết: "Nhà trường vận dụng linh hoạt thời gian vào lớp học, bố trí thời khoá biểu thuận lợi cho các cháu, đồng thời đảm bảo chương trình học. Trường hợp các cháu khó khăn quá, nhà trường kêu gọi giáo viên hỗ trợ. Nhà trường kêu gọi tổ chức từ thiện cho các cháu bữa ăn bán trú 9.000, phụ huynh phải đóng 6.000 thôi". Ông Phạm Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Trung Hạ, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn cho biết: "Chúng tôi tham mưu với chính quyền địa phương, các cấp các ngành của xã, cùng với thầy cô giáo đi vào từng hộ gia đình, vận động gia đình tìm các giải pháp thích hợp để con em đến trường một cách đầy đủ".

Giải pháp hỗ trợ học sinh gặp khó tại các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh 3.

Tuy nhiên, những giải pháp mà các nhà trường đang thực hiện chỉ mang tính trước mắt. Về lâu dài, để hỗ trợ học sinh vùng sâu vùng xa đến trường vẫn cần tính các giải pháp hợp lý. Ông Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân, huyện Quan Hoá cho rằng: "Đây là giải pháp tạm thời, không bền vững khi không kêu gọi được hỗ trợ xã hội hoá giáo dục. Vì đây không phải chính sách của Nhà nước đối với học sinh. Tôi đề nghị Bộ Giáo dục sửa đổi quy định cho phù hợp với thực tế địa phương, đặc biệt cần có thêm chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho các trường phổ thông có học sinh ăn bán trú".

Ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hoá đang tham mưu cho các cấp, các ngành, ban hành cơ chế chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ học sinh các huyện nghèo, xã biên giới. Cùng với đó, các nhà trường cũng tăng cường tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 15.3.2023