Giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại các cơ sở y tế

07:52 - 23/10/2023

Việt Nam đã ghi nhận 19 ca bệnh đậu mùa khỉ. Mối lo ngại về nguy cơ bùng phát căn bệnh này đang hiện hữu. Để chủ động phòng dịch, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện các ca mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ.

Tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, việc giám sát bệnh đầu mùa khỉ được áp dụng tương tự với giám sát bệnh COVID-19. Những bệnh nhân có các dấu hiệu nghi mắc đậu mùa khỉ như: sốt, nhức đầu, nổi hạch, đau lưng, đau cơ, suy nhược cơ thể, phát ban trên da được phân luồng khám bệnh tại phòng khám riêng.

Tại đây bệnh nhân được khám lâm sàng, khai thác thông tin. Những trường hợp nguy cơ cao sẽ được bố trí cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại các cơ sở y tế - Ảnh 2.

Bác sỹ CKII Hoàng Văn Mạnh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Bác sỹ CKII Hoàng Văn Mạnh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Những bệnh nhân đến khám có dấu hiệu nghi mắc đều được bố trí khám ở khu vực riêng, tránh lây nhiễm. Bệnh viện cũng thực hiện tốt bảo hộ cá nhân, bố trí phòng cách ly ở các khoa, phòng".

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Đây là bệnh hiếm gặp ở người. Tuy nhiên, hiện nay đang bùng phát ở gần 80 quốc gia trên thế giới với diễn biến rất phức tạp. Tại Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ cũng đang có dấu hiệu lây lan tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu. Bởi vậy, các cơ sở y tế đang tăng cường các gải pháp, chủ động giám sát, kiểm soát dịch bệnh.

Giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại các cơ sở y tế - Ảnh 3.

Các bác sỹ cho biết, triệu chứng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ gồm: Sốt;  Đau đầu dữ dội; Đau lưng và các cơ; Ớn lạnh, mệt mỏi;  Nổi mụn, sưng hạch.

Bác sỹ CKII Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm con đường lây truyền của bệnh

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ tuy khó lây lan hơn so với bệnh COVID-19 và các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng nhưng đây vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng máu, viêm mô não, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực, thậm chí là tử vong.

Dưới đây là khuyến cáo phòng bệnh đậu mùa khỉ của Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế: 

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, vật dụng của người hoặc động vật nhiễm bệnh. 

-  Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn 

Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi. 

-  Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. 

Đảm bảo an toàn thực phẩm. 

-  Thực hiện lối sống lành mạnh. 

-  Tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khoẻ.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 23/10/2023