Giám sát xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi giai đoạn 2018 - 2021

19:35 - 29/11/2022

Sáng ngày 29/11, Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát chuyên đề việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản thuộc các huyện, xã miền núi giai đoạn 2018-2021 tại Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh.

Theo báo cáo của văn phòng điều phối xây dưng nông thôn mới tỉnh, giai đoạn 2018 - 2021, tổng nguồn lực huy động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất trên địa bàn 11 huyện miền núi Thanh Hóa đạt trên 7.487 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 1.480 tỷ, còn lại là ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn khác. Tính đến ngày 31/12/2021, tại 11 huyện miền núi có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số 163 xã; 635 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân khu vực miền núi đạt 15,5 tiêu chí/xã; đạt 10,86% tiêu chí thôn, bản nông thôn mới. 

Giám sát xây dựng nông thôn mới  khu vực miền núi  giai đoạn 2018-2021 - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi giám sát

Quá trình xây dựng nông thôn mới, tiềm năng, lợi thế của các địa phương miền núi được phát huy, người dân đã có ý thức vươn lên để tự thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do vị trí địa hình không thuận lợi, xuất phát điểm thấp, việc huy động nguồn lực và cơ chế lồng ghép vốn giữa các chương trình chưa hiệu quả, chính quyền cơ sở một số địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các tiêu chí… nên kết quả xây dựng nông thôn mới của một số huyện miền núi còn thấp còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh và còn khoảng cách khá lớn giữa các vùng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đạt 73,3%, của vùng đồng bằng đạt trên 90%, trong khi miền núi mới chỉ đạt trên 33%. Hiện vẫn còn 60 xã ở khu vực miền núi đạt dưới 15 tiêu chí. Việc xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm OCOP khu vực miền núi còn hạn chế.

Giám sát xây dựng nông thôn mới  khu vực miền núi  giai đoạn 2018-2021 - Ảnh 3.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh kết luận tại buổi giám sát

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đề nghị Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của thành viên Đoàn giám giám sát, khẩn trương hoàn thiện báo cáo để trình HĐND tỉnh. Trong đó, cần đánh giá toàn diện kết quả, mục tiêu và làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới tại 11 huyện miền núi. Kiểm tra cụ thể mức độ đạt của các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đã và đang phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới, chủ yếu là các tiêu chí có tỷ lệ đạt thấp và có nguy cơ giảm chuẩn như quy hoạch, giao thông, kiên cố hóa kênh mương, nước sạch vệ sinh môi trường… Đồng thời, phải làm rõ những khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình… Qua đó đề xuất phương án, giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng nông thôn mới tại 11 huyện miền núi giai đoạn 2021-2025; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 19 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn, bản miền núi, 60% trở lên số thôn bản thuộc các xã khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí, không còn xã dưới 15 tiêu chí.



Nguồn: Bản tin TS tối ngày 29/11