Giảm thuế VAT thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng

11:36 - 16/01/2024

Theo Nghị định số 94/2023 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2024 đến 30/6/2024, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8% đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ trừ Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại… Việc giảm thuế VAT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, từ đó tăng khả năng phục hồi và ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu tháng 1/2024, nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng thuế giá trị gia tăng ở mức 8% thay vì 10% như trước đối với những nhóm, ngành hàng theo quy định. Đối với người tiêu dùng, dù trên hóa đơn thanh toán hàng hóa, mức giảm thuế VAT không nhiều, nhưng nếu cộng dồn, cũng là sự chia sẻ đáng kể trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Chị Lê Thị Trang, ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc chia sẻ: "Người dân tiêu dùng như chúng tôi rất vui khi có chính sách kích cầu giảm thuế cho người dân, nhiều mặt hàng có giá rẻ hơn rất nhiều, chúng tôi rất vui an tâm khi mua sắm với mức giá hợp lý như vậy".

Giảm thuế VAT thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng- Ảnh 1.

Với các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, việc tiếp tục được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ giúp tiết giảm được một phần chi phí sản xuất, tích lũy nguồn tài chính nhất định để đầu tư và mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm giá thành sản phẩm, tăng cường các giá trị gia tăng sau dịch vụ. Điều này đã tác động đến sức mua sắm của người tiêu dùng, nhờ vậy doanh nghiệp kinh doanh cũng gia tăng được doanh số bán ra từng ngày. Ông Hoàng Xuân Trung, Giám đốc chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé Gia đình sữa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khi có Nghị định 94, thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% thì gần như các sản phẩm kinh doanh trong hệ thống cửa hàng đều được giảm theo quy định của Nhà nước. Người tiêu dùng khi mua sắm rất hào hứng, phần nào hỗ trợ cho người tiêu dùng có được những quyền lợi nhất định".

Dự kiến, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ giảm thu ngân sách cả nước khoảng 25.000 tỷ đồng và ảnh hưởng đến kế hoạch thu của nhiều địa phương. Tuy nhiên, thực hiện chính sách này sẽ kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển, từ đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Giảm thuế VAT thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng- Ảnh 2.

Hiện tại, ngành thuế Thanh Hóa đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế khẩn trương triển khai chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp và người nộp thuế. Ông Lê Xuân Lưu, Phó Chi cục trưởng, Chi cục thuế Nga Sơn - Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chi cục thuế Nga Sơn - Hậu Lộc đã xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành thực hiện công tác tuyên truyền đến người nộp thuế, để người nộp thuế nắm được chính sách của Nhà nước và thực hiện cho tốt. Đến nay, rất nhiều người nộp thuế trên địa bàn nhận thấy chính sách lớn của Đảng, Chính phủ, trên cơ sở đó đã tháo gỡ được một phần nào khó khăn cho người nộp thuế". Ông Nguyễn Bá Phú, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: "Chúng tôi cho rằng, chính sách hỗ trợ về thuế của Quốc hội, cũng như của Chính phủ rõ ràng sẽ làm giảm số thu ngân sách, tuy nhiên việc giảm thuế sẽ kích thích hoạt động tiêu dùng, tạo cho việc giao dịch về hàng hóa dịch vụ tốt hơn, tạo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển, từ đó tạo cho nguồn thu cho ngân sách Nhà nước một cách ổn định và bền vững".

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đã đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, là nguồn trợ lực tài chính kịp thời, mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp, người dân có thêm sức đề kháng để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 16/1/2024