Giao ban công tác phòng, chống dịch COVID-19

20:12 - 07/12/2021

(TTV) - Sáng 7/12, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh, đánh giá thực trạng công tác tiêm chủng vắc xin, truy vết, cách ly, điều trị các ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại các điểm cầu có Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 3.052 ca mắc COVID-19; trong đó 1.939 ca đã điều trị khỏi; trên 3.200 người đang cách ly tập trung và trên 16 nghìn người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. 27/27 huyện, thị xã thành phố ở cấp độ dịch thứ 2. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đang được các ngành, các địa phương  đẩy nhanh tiến độ. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã và đang được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch cũng bộc lộc những khó khăn, hạn chế như: có lúc, có nơi công tác truy vết thực hiện chưa tốt; tiến độ tiêm, cập nhật dữ liệu tiêm chủng vắc xin ở một số địa phương còn chậm; nguồn lực phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” còn thiếu; chế độ thông tin, báo cáo chưa thường xuyên....

Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu dự giao ban đã tập trung thảo luận, làm rõ công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19; chỉ ra những khó khăn, hạn chế, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị các ca bệnh COVID-19; đề xuất các giải pháp tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa khẳng định: dưới sự chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nghiêm Quy định của Trung ương, của tỉnh về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với các giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, là điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển và bảo vệ được tính mạng, sức khỏe của Nhân dân.

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: đây mới là những kết quả bước đầu, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, bởi dịch bệnh COVID -19 vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp; số ca nhiễm mới liên tục tăng nhanh và có những ca lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền về phòng, chống dịch còn thiếu sót. Một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện chưa nghiêm các quy định phòng, chống dịch, vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là. Công tác quản lý, giám sát công dân tại địa phương có nơi còn chủ quan, thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch còn lúng túng; tổ chức, quản lý các trường hợp F1 cách ly tại nhà chưa nghiêm. Công tác tuy vết khi có F0 có nơi thực hiện chưa triệt để, còn bỏ sót đối tượng liên quan; công tác phối hợp, chia sẻ thông tin dịch tễ của các ca bệnh giữa các địa phương chưa kịp thời. Số liệu về dân số trên 18 tuổi chưa có sự thống nhất giữa tỉnh với huyện, giữa huyện với ngành; tiến độ tiêm chủng một số nơi còn chậm. Năng lực hệ thống y tế khó khăn cả về lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ở một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại về các điều kiện phòng, chống dịch. Ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực song vẫn còn  hạn chế trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch...

Để tiếp tục thực hiện tốt chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả COVID-19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, ngành Y tế...tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với quan điểm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, bao phủ vắc xin và thuốc chữa bệnh COVID-19 là quyết định. Nâng cao tinh thần cảnh giác, duy trì cảnh báo dịch ở mức độ cao nhất, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý mọi tình huống liên quan đến dịch bệnh với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết; lấy phòng dịch là cơ bản, dự phòng tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống dịch; chủ động đánh giá cấp độ dịch và nguy cơ biến thể mới xâm nhập vào địa bàn để xây dựng và triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, triển khai có hiệu quả dịch COVID-19 với lộ trình chặt chẽ, khả thi, phù hợp với từng thời điểm cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cảnh giác của từng người dân trong công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tránh tụ tập đông người, hạn chế các hoạt động giao lưu không cần thiết, phải chủ động, tự giác khai báo y tế và phát giác những người có nguy cơ cao nhưng chưa tự giác khai báo; tăng cường ứng dụng công nghệ để quản lý người dân có yếu tố dịch tễ; phối hợp chia sẻ thông tin, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt.

Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Trưởng các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương, cơ sở, bám sát tình hình, tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, phát huy cao nhất vai trò của các lực lượng tại cơ sở,  nhất là lực lượng công an cấp xã, các tổ giám sát COVID-19 cộng đồng...  trong việc theo dõi, quản lý, giám sát người đi về, ra vào từ vùng dịch; người đang cách ly tại nhà và cách ly tập trung.

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nhất là ngành Công an, tổng rà soát người từ 18 tuổi trở lên để có con số cụ thể, chính xác phân loại đối tượng đã tiêm, chưa tiêm, chưa chịu tiêm, chưa thể tiêm… báo cáo Ban Chỉ đạo của tỉnh trước 17h ngày 10/12; đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích, sự cần thiết vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của công dân đối với cộng đồng trong tiên vắc xin phòng COVID-19: đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, phấn đấu đến ngày 15/12, 75% trở lên dân số từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vắc xin; trước ngày 31/12, cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; đến ngày 10/12, phải hoàn thành tiêm mũi 1 cho đối tượng từ 15 đến 17 tuổi. Sở Y tế chịu trách nhiệm điều phối, phân bổ nguồn vắc xin hợp lý, khoa học, đồng thời hướng dẫn cụ thể về đối tượng có thể tiêm, đối tượng chưa thể tiêm. Các huyện phải bố trí đủ phương tiện, trang thiết bị, nhân lực để tiến hành tiêm bao phủ cho người dân.

Đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Y tế cần tập trung nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19,  bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả; cập nhật đầy đủ phác đồ điều trị của Bộ y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh cao nhất, tỷ lệ tử vong thấp nhất. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án mở rộng quy mô các cơ sở thu dung, điều trị  COVID-19, lựa chọn các khu cách ly tập trung làm cơ sở điều trị COVID-19 ngoài bệnh viện. Đối với các huyện, thị có quy mô dân số dưới 100 nghìn người, cơ sở thu dung điều trị cần đảm bảo tối thiểu 100 giường bệnh; đối với huyện, thị có trên 100 nghìn dân, cơ sở điều trị phải có từ 200 giường bệnh trở lên. Thành phố Thanh Hóa cũng cần phải nghiên cứu, xây dựng phương án để từ đầu năm 2022 thành lập khu điều trị bệnh nhân COVID -19 của thành phố.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Ngành giáo dục cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn cho hoạt động dạy và học trực tiếp. Khi có tình huống dịch xảy ra, các nhà trường cần cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định phù hợp về hình thức dạy học. Các địa phương cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, việc triển khai các chính sách phải kịp thời, đúng đối tượng; thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Ban chỉ đạo các cấp, các ngành phải tiếp tục tăng cường hoạt động, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Nếu địa phương, đơn vị nào xảy ra nhiều ổ dịch do nguyên nhân chủ quan, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Đồng chí bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, khối lượng công việc còn rất lớn, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu các địa phương, đơn vị cần khẩn trương rà soát tập trung khắc phục những hạn chế, thực hiện bằng được những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; đồng thời với thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh./.

Cẩm Tú - Hồng Thư/ Bản tin Thời sự tối TTV