Giáo dục học sinh qua lễ hội truyền thống

09:12 - 09/03/2023

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng thêm các tiết học ngoại khoá tạo điều kiện để học sinh có những trải nghiệm mới. Các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã triển khai khá hiệu qủa tiết học này qua việc tổ chức cho học sinh dã ngoại, tham gia những sự kiện, lễ hội, qua đó góp phần giáo dục lịch sự và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho học sinh.

Nhân sự kiện chuẩn bị cho lễ hội đền Bà Triệu, các trường học trên địa bàn xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc đã lên kế hoạch, tổ chức cho học sinh đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, hay còn gọi là Bà Triệu – người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô xâm lược vào năm 248. Tại đây, những kiến thức khô khan đã trở nên hấp dẫn hơn, từ những bài học khó tưởng tượng đã tái hiện ngay trước mắt, mỗi một hiện vật lịch sử là một câu chuyện, là một bài học đầy bất ngờ đối với các em.

Giáo dục học sinh qua lễ hội truyền thống - Ảnh 2.

Em Đỗ Xuân Anh, học sinh lớp 7B, trường THCS Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá: "Con và các bạn được cô giáo dẫn đi tham quan, chỉ dạy về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa của Bà. Con thấy biết nhiều điều hơn về Bà".

Giáo dục học sinh qua lễ hội truyền thống - Ảnh 3.

Việc bám sát sự kiện văn hóa - lịch sử để tổ chức chương trình ngoại khóa là một cách giáo dục văn hoá truyền thống cho học sinh khá sinh động. Từ đó, hình thành và phát triển ở học sinh sự hứng thú tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử  truyền thống của địa phương. Đặc biệt, giáo dục qua lễ hội truyền thống còn giúp học sinh nhớ về nguồn cội, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc một cách sinh động, chân thực nhất.

Giáo dục học sinh qua lễ hội truyền thống - Ảnh 4.

Ông Lê Trọng Sửu, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Ông Lê Trọng Sửu, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Trường THCS Triệu Lộc đóng trên địa bàn xã Triệu Lộc có di tích đền Bà Triệu. Nên nhà trường rất quan tâm các hoạt động trải nghiệm tại khu di tích. Qua đó các em càng sâu sắc về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt trong lễ hội 2023, nhà trường phối hợp với Ban quản lý di tích, chính quyền địa phương cho các em được tham gia lễ hội để các em tiếp tục giáo dục về truyền thống".

Mỗi người đến với lễ hội là tỏ lòng lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc.  Học sinh nếu được trải nghiệm thực tế qua các lễ hội sẽ giúp tăng hiệu quả giáo dục về đạo đức, truyền thống lịch sử. Do đó, giáo dục học sinh qua các lễ hội truyền thống đang là xu hướng được nhiều trường, nhiều địa phương quan tâm nhân rộng.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 9/3/2023