Giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường Dân tộc nội trú tỉnh

21:02 - 03/02/2023

Trong những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo đời sống vật chất cho học sinh, trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa đã kết hợp đưa nét đẹp văn hóa truyền thống lồng ghép vào tiết học cũng như các hoạt động của nhà trường, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có 540 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số: Thái, Thổ, Mường, Nùng, Dao, Tày… việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Vì vậy, ngay từ khi tuyển sinh đầu cấp, nhà trường đã yêu cầu mỗi học sinh đều phải chuẩn bị một bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình để mặc vào các ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể, các ngày lễ lớn và các ngày nhà trường tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ. Nhà trường coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua giữa các lớp.

Giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường Dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh 2.

Để việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc đi vào chiều sâu, có hiệu quả, những năm qua trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động giáo dục văn hoá dân tộc cũng như tổ chức nhiều hoạt động  như: tổ chức các buổi ngoại khóa, sinh hoạt tập thể trong trường giúp học sinh nhận thức thêm về văn hóa của dân tộc mình, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Nhà trường cũng lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học. Đối với văn hóa vật thể, học sinh được truyền dạy về trang phục truyền thống của dân tộc, dạy những điệu hát, trò chơi dân gian, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc... Trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, nhà trường thường hướng cho học sinh gìn giữ nét văn hóa dân tộc được thể hiện thường xuyên qua hình thức tích hợp các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, trong khuôn viên của THPT Dân tộc nội trú tỉnh được thiết kế xây dựng nhà sàn truyền thống là nơi lưu giữ, trưng bày nhiều vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động của các đồng bào dân tộc.

Vào các ngày lễ, hội, nhà trường đều tổ chức hội thi, hội diễn truyền thống, trong đó có nhiều hoạt động bổ ích, như: ném còn, cồng chiêng, khua luống, ném mảng, gói các loại bánh ú, bánh ít, các trò chơi, trò diễn truyền thống... Tổ chức lễ hội sắc màu dân tộc, hội thi trang phục, trưng bày gian hàng truyền thống... Nhà trường luôn tạo điều kiện để các em học sinh được thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác thông qua các hoạt động, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

Giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường Dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh 4.

Bằng việc giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, các hoạt động của nhà trường  đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc mình. Tạo được không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập, bồi đắp thêm tình yêu văn hóa dân tộc đối với các em.

Nguồn: Chuyên mục Giáo dục khuyến học ngày 2/2/2023