Gỡ khó tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với những chỉ tiêu cho từng vùng miền của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nhiều xã đang gặp thách thức lớn trong thực hiện tiêu chí số 17.1 về tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch. Đặc biệt ở các xã miền núi thì do nhiều nguyên nhân khác nhau việc thực hiện tiêu chí này còn khó khăn hơn.

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 quy định: các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có từ 15% đến 20% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì phải có từ 55% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch trở lên. Tiêu chí này đang gây không ít khó khăn, lúng túng cho các địa phương miền núi khi xây dựng xã nông thôn mới.

Từ nhiều đời nay, bà con Nhân dân xã Vân Am huyện Ngọc Lặc vẫn sử dụng nguồn nước sinh hoạt được dẫn từ các mó nước trên rừng, nước trong khe suối hoặc nguồn nước từ các giếng khoan, giếng đào qua hệ thống bể lọc nước. Gia đình nào có điều kiện thì sắm thêm máy lọc nước để phục vụ sinh hoạt. Nguồn nước này được công nhận là nước hợp vệ sinh nhưng chưa đủ tiêu chuẩn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung theo quy định của bộ tiêu chí xã nông thôn mới. 

Gỡ khó tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Theo ông Phạm Văn Nghĩa, một người dân ở thôn Đắm, xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc thì Tiêu chí nước sạch cũng phải theo từng địa phương, ở trong thôn, bản thực sự là khó vì không cần thiết. Nói về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Vân Am huyện Ngọc Lặc cũng cho biết:"Từ tình hình địa phương chúng tôi thấy rằng cấp có thẩm quyền nên quy định việc sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch phù hợp với từng khu vực, đặc biệt là khu vực miền núi. dân cư thưa thớt, hệ thống nước mó ổn định. Đề nghị các cấp các ngành quan tâm xây dựng cho xã. Nếu có xây dựng cũng không hiệu quả vì người dân không có nhu cầu phải sử dụng nước tập trung vì tốn kém e rằng nó sẽ không phát huy hiệu quả trong thực tế. Nếu được thì nên xem xét điều chỉnh bộ tiêu chí cho phù hợp với địa bàn, đặc biệt là địa bàn miền núi".

Cũng như xã Vân Am, xã Cao Ngọc huyện Ngọc Lặc cũng đã đặt mục tiêu năm 2023 sẽ về đích xã nông thôn mới nhưng vướng nhất hiện nay vẫn là tiêu chí phải có công trình cấp nước tập trung và ít nhất 20% số hộ dân sử dụng nước sạch. Để giải quyết được những khó khăn trong tiêu chí nước sạch thì phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước, còn nếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương để đầu tư hệ thống cấp nước tập trung là vượt quá khả năng. Mặt khác, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư còn là câu chuyện dài, bởi các doanh nghiệp còn tính tới chuyện lợi nhuận nên chưa sẵn sàng đầu tư nhà máy xử lý nước sạch những ở vùng sâu, vùng xa. Ông Hà Tiến Giang, Bí thư Đảng ủy xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc cho biết:"Việc đầu tư một hệ thống cấp nước tập trung với tổng mức khoảng 6 đến 7 tỷ đồng thì mức rất cao, gần như nằm ngoài khả năng thực hiện của xã. Chính vì vậy việc để cho xã đầu tư rất là khó thực hiện. Bên cạnh đấy để kêu gọi doanh nghiệp vào cung cấp nước sạch cho bà con Nhân dân miền núi thì chắc chắn là không có vì nguồn lực đầu tư 6 đến 7 tỷ đồng phục vụ cho khoảng trên 300 hộ cũng chưa thực sự phù hợp. Chúng tôi mong tỉnh, cũng như ban chỉ đạo có sự điều chỉnh sao cho phù hợp".

Gỡ khó tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Tại huyện Thường Xuân, nhiều xã cũng đang "vướng" trong việc thực hiện tiêu chí nước sạch. Hiện nay, một số công trình cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh của trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa xây dựng từ hơn 20 năm trước vẫn đang phát huy hiệu quả và được Nhân dân sử dụng. Bởi tỉ lệ hộ nghèo còn cao, bà con chưa sẵn sàng cho việc phải chi một khoản tiền cho nước sạch sinh hoạt hàng tháng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới chỉ đạt 97 hộ, chiếm 0,5% hộ dân toàn huyện. Năm 2022 huyện không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đề ra bởi không đạt được tiêu chí nước sạch tập trung.

Thực tế đến thời điểm hiện tại, việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện, đặc biệt là huyện miền núi đối với chỉ tiêu nước sạch gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống công trình cấp nước trên địa bàn khu vực miền núi chủ yếu là công trình cấp nước tự chảy, công nghệ đơn giản, chưa đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, nguồn vốn của chương trình rất hạn chế, không có nguồn lực để đầu tư được nhiều công trình cấp nước. Đây là khó khăn chung của các huyện miền núi Thanh Hóa, đặc biệt tại những huyện nghèo, biên giới như Quan Sơn, Mường Lát thì vấn đề này các trở nên bức thiết.

Ông Mai Xuân Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Mương Lát

Theo khảo sát của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tại 11 huyện miền núi mới chỉ có 6 huyện có nhà máy nước sạch là: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân. Các nhà máy cũng chỉ mới chỉ cung cấp nước cho các hộ dân ở thị trấn và một bộ phận nhỏ vùng lân cận thị trấn. Năm 2022, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch ở Thanh Hóa là 60,2%. Trong đó: tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 25,2%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình nhỏ lẻ (máy lọc nước hộ gia đình đạt chuẩn) là 35%.

Trước tình hình đó, Trung tâm nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa đã chủ động đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương đang xây dựng nông thôn mới ở miền núi còn vướng về tiêu chí nước sạch. Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá hiện trạng cấp nước của các Nhà máy cấp nước sạch tập trung đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để có phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước; trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước cho các xã chưa được cung cấp nước sạch. Nói về vấn đề nay, ông Lê Văn Nghĩa, phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trung tâm đã chủ động với huyện, đề xuất những giải pháp trong thực hiện tiêu chí. Từ đó giúp cho các huyện có lộ trình xây dựng tiêu chí nước sạch. Trung tâm cũng thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân và cán bộ địa phương, tham mưu cho Sở Nông nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh về phương án cấp nước cho các huyện miền núi. Trung tâm cũng nghiên cứu và đề xuất một số mô hình cấp nước phù hợp với điều kiện của từng địa phương trên địa bàn khu vực này".

Gỡ khó tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Tính đến tháng 3/2023, Thanh Hóa có 465 xã xây dựng nông thôn mới, trong đó đã có 352 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm 291 xã đồng bằng, ven biển và 61 xã miền núi. Còn lại 113 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì trong đó hầu hết là các xã khu vực miền núi và đều đang gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí nước sạch. Để chỉ tiêu cấp nước sạch tập trung không trở thành "rào cản" trong quá trình xây dựng nông thôn mới, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, nhất là trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời để xây dựng, hoàn thiện các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung theo hình thức tự chảy hiện có thành công trình cấp nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế nhằm đáp ứng tiêu chí và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Chuyên mục Đưa nghị quyết vào cuộc sống ngày 4.4.2023