Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

20:21 - 14/03/2023

Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật rất quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác. Đây cũng là luật tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, tổ chức và người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của bộ luật này, cán bộ, Đảng viên và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã hăng hái đóng góp ý kiến vào dự thảo, với mong muốn sẽ phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng sát với thực tiễn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Sau khi nhận được hướng dẫn về việc lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, thông tin trên các trang mạng xã hội, trang thông tin của xã để lấy ý kiến trực tiếp của Nhân dân. Đồng thời, xã tổ chức được 16 hội nghị góp ý, thu hút hơn 1 nghìn người tham gia. Qua đó đã nhận được 157 lượt ý kiến, tập trung ở những lĩnh vực liên quan thiết thực đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, như phân loại đất, thu hồi, trưng dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 2.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 3.

Ông Lê Quý Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Nhân Đạo, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Quý Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Nhân Đạo, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Bà con quan tâm đến đất nông nghiệp là chủ yếu, như chia đất nông nghiệp nhưng người chết, người chuyển đi vẫn giữ đất, bỏ hoang, đề nghị giao lại cho xã, thu hồi cho những người có nhu cầu sử dụng, cái này có luật ra thì mới thực hiện được".

Đợt lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra từ 3/1 đến 15/3/2023. Dự thảo gồm 16 chương, 236 điều, mục tiêu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập Quốc tế; Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực và tạo động lực để phát triển đất nước. Do đó, việc lấy ý kiến Nhân dân là một trong những hoạt động cực kỳ quan trọng, được tỉnh Thanh Hóa triển khai bài bản, khoa học, công khai. Thông qua các hội nghị, hội thảo, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, nghiêm túc và khoa học.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 4.

Tiến sỹ Lê Văn Minh, Trưởng Khoa Lý luận chính trị và Luật, Đại học Hồng Đức, cho biết: "Mong muốn dự thảo lần này phải thể chế được các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, để Luật thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của người dân. Cán bộ, giảng viên Đại học Hồng Đức quan tâm đến quyền sử dụng đất, bồi thường, đấu giá sử dụng đất là những vẫn đề đang gây bức xúc, khó thực hiện trong thực tế."

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 5.

Ông Lê Hữu Thanh, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Hữu Thanh, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Trong những năm qua, Luật Đất đai đã góp phần phát triển, xây dựng kinh tế xã hội, đặc biệt quá trình áp dụng cũng nảy sinh nhiều bất cập. Vì vậy lần này nhà nước tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo, thấy rất quan tâm, qua đó các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được thông qua quy trình tham gia góp ý kiến, Hội chúng tôi tuyên truyền đến hội viên tham gia, góp phần xây dựng các quy định, quy chế trong bộ luật, giúp bộ luật sớm được ban hành và áp dụng trong thực tiễn".

Theo kế hoạch, sau khi tổng hợp các ý kiến, Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi về những vấn đề còn nhiều tranh cãi trước khi chính thức trình Quốc hội thông qua và ban hành.

Nguồn: TS Tối 14/3/2023