Hàm Rồng chiến thắng - Bản anh hùng ca bất tử

19:37 - 04/04/2020

(TTV) - Cách đây vừa tròn 55 năm, trong 2 ngày: mùng 3 và mùng 4/4/1965, quân và dân Thanh Hóa đã đoàn kết, anh dũng sát cánh cùng với lực lượng phòng không, bộ binh, hải quân… chiến đấu bắn rơi 47 máy bay của đế quốc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng - giữ cho huyết mạch giao thông Bắc - Nam thông suốt. Đây là chiến thắng vang dội đầu tiên của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Giữa những ngày cả nước bước vào giai đoạn quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, dù không thể về thăm lại trận địa năm xưa, quây quần bên đồng đội, gặp lại những người chị, người em dân quân “đồng cam cộng khổ” trong những ngày chiến đấu bảo vệ cầu, nhưng trong trái tim nhiều cựu chiến binh, Hàm Rồng vẫn luôn soi sáng những ký ức thiêng liêng mà rất đỗi tự hào.

 

Sáng sớm ngày 3/4/2020, trên trang facebook cá nhân, nhà văn Lê Xuân Giang - một người lính đã gắn bó với Hàm Rồng suốt thời trai trẻ viết:

“Hôm nay, ngày 3/4/2020, cách đây vừa tròn 55 năm, máy bay Mỹ ném bom cầu Hàm Rồng. Rất tiếc, dịch bệnh toàn cầu nên CCB Hàm Rồng tại Thanh Hóa không dâng hương tại nghĩa trang Nam Ngạn để tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ cầu được. Tôi đưa tấm ảnh chụp cầu HR trong chiến tranh để đồng đội nhớ về những ngày khói lửa bên chiếc cầu thân yêu này. Chiếc cầu này có mã thượng, mã hạ, mã trung, là sáng kiến của đội cầu 19/5, nó khác hẳn so với ảnh những chiếc cầu chụp trước và sau đó”.

Những lời nhắn nhủ chất chứa sự nhớ nhung da diết và lấp lánh niềm tự hào của một cựu chiến binh Hàm Rồng đã chạm vào ký ức thiêng liêng của những người đồng chí, đồng đội năm xưa. Kỷ niệm cứ thế nối dài theo con chữ; đó là ký ức không thể nào quên về những trận chiến đấu ác liệt... là nỗi đau khi chứng kiến đồng đội hy sinh... là nỗi day dứt về phần mộ của người nằm xuống...

Dù tiếc nuối vì không thể ngồi bên nhau hàn huyên trong dịp kỷ niệm đặc biệt này nhưng những người lính Hàm Rồng năm xưa đều tin tưởng và hẹn gặp lại vào ngày cả dân tộc “đại thắng” trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Cựu chiến binh Trần Bảo Ngữ viết: “Chúng ta hướng về Hàm Rồng trong những ngày kỷ niệm lịch sử oai hùng cùng hưởng ứng cách ly xã hội để tiêu diệt dịch Covid 19. Hẹn ngày gặp mặt sau đại thắng dịch này!”

Cựu chiến binh Trương Công Chinh bày tỏ: “Tôi hy vọng toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vả nhà nước, trận chiến chống giặc covit này cũng kết thúc. Vào tháng 4.”

Tinh thần lạc quan của những cựu chiến binh Hàm Rồng một thời đã tiếp thêm ý chí, ý lực cho những người sau này. Chủ tài khoản facebook Trịnh Thị Sơn viết: “Chúng em là lớp người đi sau được sống trong thời bình. Xin cảm ơn các anh chị đã anh dũng đứng lên cầm súng bảo vệ đất nước, bảo vệ cầu Hàm Rồng huyết mạch giao thông của đất nước”.

Năm tháng qua đi. Cầu Hàm Rồng cùng hai chữ “Quyết Thắng” uy nghiêm tạc vào sườn núi như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Với mỗi người con Thanh Hóa, Hàm Rồng - Sông Mã còn là hiện thân của quê hương; vừa gần gũi, thân thuộc, vừa rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Nhà báo Cao Ngọ - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Đoàn Thanh Hóa, người từng được giao trọng trách chỉ huy trưởng công trình trùng tu, tôn tạo hai chữ “Quyết Thắng” vào năm 1989, viết trên trang facebook của mình:

“Chiến công ấy, tinh thần quả cảm ấy, ý chí quật cường ấy càng tô thắm thêm 2 chữ Quyết Thắng như biểu tượng đẹp nhất trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Ý chí ấy, truyền thống ấy luôn luôn nhắc nhở các thế hệ quê tôi hôm nay và mai sau mang tinh thần quyết thắng để biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực!”

Theo Bản tin Thời sự tối 4/4