Hiệu quả chính sách tín dụng hộ nghèo tại huyện Bá Thước

16:45 - 02/08/2022

(TTV) - Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bá Thước đã nhận ủy thác tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 ngày 04/10/2002 của Chính phủ, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Chị Bùi Thị Hiền là người dân tộc Mường ở thôn Xê, xã Điền Quang, huyện Bá Thước thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, do thiếu vốn đầu tư sản xuất, cuộc sống của gia đình chị Hiền luôn bấp bênh. Từ năm 2010 đến năm 2016, gia đình chị Bùi Thị Hiền được vay hơn 90 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bá Thước với lãi xuất thấp.

Hiệu quả chính sách tín dụng hộ nghèo tại huyện Bá Thước - Ảnh 1.

Mô hình trang trại của gia đình chị Bùi Thị Hiền ( áo xanh) là người dân tộc Mường ở thôn Xê, xã Điền Quang, huyện Bá Thước.

Có vốn gia đình chị đã đầu tư nuôi trâu sinh sản và trâu thịt. Đến năm 2018, gia đình chị Hiền lại được tạo điều kiện vay vốn từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền 40 triệu đồng để mua thêm trâu, bò và cải tạo mở rộng chuồng trại. Năm 2021, chị Hiền được vay 20 triệu đồng nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư xây bể nước và làm nhà vệ sinh tự hoại. Ngoài ra, gia đình Hiền đã đầu tư, cải tạo, chăm sóc tốt 2 ha diện tích rừng trồng luồng đang cho thu hoạch; đồng thời, chuyển đổi một số diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ thức ăn chăn nuôi. Hiện, trừ chi phí đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng.

Hiệu quả chính sách tín dụng hộ nghèo tại huyện Bá Thước - Ảnh 2.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, 20 năm qua, NHCSXH huyện Bá Thước đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị xã hội: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên trên địa bàn 21 xã, thị trấn.

Đây là phương thức thể hiện tính ưu việt riêng của NHCSXH, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước đến hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hiệu quả chính sách tín dụng hộ nghèo tại huyện Bá Thước - Ảnh 3.

Đến nay, tổng dư nợ ủy thác ở 4 tổ chức hội đoàn thể đạt hơn 516,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,25% trên tổng dư nợ toàn huyện, nợ quá hạn 455 triệu đồng, chiếm 0,09%/dư nợ ủy thác. Nhằm đưa đồng vốn về tận cơ sở, giảm chi phí đi lại cho người dân, các Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn trong huyện là cầu nối giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận kịp thời chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở 205/205 thôn, khu phố tổ chức tốt công tác bình xét công khai dân chủ để lựa chọn người vay vốn đúng đối tượng, đủ điều kiện được vay vốn, trình UBND xã, thị trấn phê duyệt; đồng thời sử dụng tiền vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn.

Tính đến ngày 30/6/2022, NHCSXH huyện đã cho 77.457 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp hơn 24.800 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết tạo việc làm cho 522 lao động, giúp 5.672 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi phí học tập, giải quyết cho 540 đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động, giúp 3.455 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở, hỗ trợ 4 gia đình công chức có thu nhập thấp xây dựng mới 4 căn nhà ở xã hội,xây dựng được trên 13 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp hơn 12 nghìn hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Với những kết quả đạt được từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua đã khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Bá Thước, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; tập trung phát triển nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn huyện.

Theo Chuyên mục Trang địa phương, PS ngày 27/7