Hiệu quả giải quyết án với ứng dụng phần mềm "Trợ lý ảo" ngành Toà án

07:00 - 26/04/2024

Thời gian qua, ngành Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã có những cải cách mang tính đột phá trong việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phần mềm 'Trợ lý ảo" vào hoạt động của ngành. Với nhiều ưu điểm vượt trội, phần mềm này đã giúp cán bộ Toà án có thêm công cụ hỗ trợ đắc lực trong công việc, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc.

Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, cán bộ Toà án có thể truy cập vào phần mềm "Trợ lý ảo Toà án nhân dân" và dễ dàng tra cứu các văn bản, chỉ dẫn áp dụng pháp luật, từ đó, giúp hiểu đúng vấn đề, áp dụng đầy đủ trong quá trình giải quyết vụ án.

Hiệu quả giải quyết án với ứng dụng phần mềm "Trợ lý ảo" ngành Toà án- Ảnh 1.

Không chỉ là nguồn tra cứu văn bản pháp luật phong phú, chính xác, phần mềm này còn hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể; giới thiệu những bản án, quyết định của Tòa án trong những vụ việc tương tự để các Thẩm phán có thể tham khảo và áp dụng. Ngoài ra, các Thẩm phán còn có thể trao đổi, tương tác với đồng nghiệp trong toàn quốc, qua đó học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng xét xử.

Hiệu quả giải quyết án với ứng dụng phần mềm "Trợ lý ảo" ngành Toà án- Ảnh 2.

Thẩm phán Phạm Bảo Yến, Toà án nhân dân huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Thẩm phán Phạm Bảo Yến, Toà án nhân dân huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Khi tôi cần 1 văn bản tố tụng mẫu nào đó tôi có thể lên phần mềm "Trợ lý ảo" để tìm kiếm và sẽ được phần mềm trả lời rất nhanh chóng, chính xác. Khi có khó khăn gì, tôi lên diễn đàn trao đổi nghiệp vụ chuyên môn và đăng câu hỏi mình thắc mắc, sẽ được các thẩm phán trên mọi miền đất nước giải đáp ".

Một trong những nhiệm vụ của thẩm phán là soạn thảo văn bản tố tụng và thực hiện mã hóa, công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Hiệu quả giải quyết án với ứng dụng phần mềm "Trợ lý ảo" ngành Toà án- Ảnh 3.

Nhiệm vụ này trước đây các thẩm phán đều phải làm thủ công, mất rất nhiều thời gian và đôi khi có sự nhầm lẫn, sai sót trong quá trình soạn thảo. Nhưng giờ đây, Thẩm phán chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói, việc soạn thảo sẽ do "Trợ lý ảo" thực hiện, Thẩm phán chỉ kiểm tra lại lần cuối và phát hành, qua đó giúp giảm tải 30% khối lượng công việc. Ngoài ra, phần mềm "Trợ lý ảo Toà án nhân dân" còn hỗ trợ thực hiện hiệu quả nhiều công việc khác của Thẩm phán.

Hiệu quả giải quyết án với ứng dụng phần mềm "Trợ lý ảo" ngành Toà án- Ảnh 4.

Ông Phạm Văn Long, Chánh Toà hình sự, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá

Ông Phạm Văn Long, Chánh Toà hình sự, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp đầy đủ máy tính đảm bảo chất lượng cho toàn thể các đồng chí cán bộ thẩm phán trong Tòa án để phục vụ công tác; xây dựng đường truyền để sử dụng khai thác phần mềm "Trợ lý ảo". Các thẩm phán có kinh nghiệm cũng như cán bộ tin học được đi dự các lớp tập huấn về mặt nghiệp vụ do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức. Sau khi dự lớp tập huấn, các đồng chí thẩm phán cũng như cán bộ tin học về truyền đạt lại cho 100% cán bộ công chức, đặc biệt là thẩm phán trong hệ thống tòa án biết khai thác và sử dụng".

Hiệu quả giải quyết án với ứng dụng phần mềm "Trợ lý ảo" ngành Toà án- Ảnh 5.

Phần mềm "Trợ lý ảo" được coi là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành Toà án. Qua quá trình tập huấn, bồi dưỡng, đến nay 100% Thẩm phán của Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hoá đã sử dụng thành thạo phần mềm này, phục vụ công tác chuyên môn một cách hiệu quả.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 26/4/2024