Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dưới tán rừng

08:18 - 22/03/2023

Trong những năm vừa qua, huyện Thạch Thành đã phát huy được lợi thế, đẩy mạnh khai thác tiềm năng dưới tán rừng để phát triển chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình đã phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.

Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dưới tán rừng

Gia đình bà Nguyễn Thị Dung ở khu phố 1, Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành có 21 ha rừng sản xuất, trong đó có 12 ha trồng cây mắc ca và 9 ha trồng cây ăn quả. Ngoài thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ mắc ca và cây ăn quả, gia đình bà còn tận dụng tán cây để phát triển chăn nuôi ong, gà và chăn nuôi lợn. 

Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dưới tán rừng - Ảnh 2.

Đến nay, gia đình bà đã phát triển được hàng trăm đàn ong, mỗi năm thu hoạch hơn 1 tấn mật, cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dưới tán rừng - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Dung, Khu phố 1, Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành

Bà Nguyễn Thị Dung, Khu phố 1, Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành cho biết: "Gia đình tôi thấy chăn nuôi dưới tán cây rừng rất có hiệu quả. Nhất là nuôi ong đã tận dụng được cây tự nhiên, nhất là hoa mắc ca đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần các loại mật ong khác".

Xã Thành Long, huyện Thạch Thành có gần 3.000 ha rừng. Hiện nay có hơn 50 hộ dân trong xã đang phát triển mô hình nuôi dê dưới tán rừng, với tổng đàn dê trên 1.000 con. 

Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dưới tán rừng - Ảnh 4.

Ngoài ra còn có hàng trăm hộ nuôi bò, nuôi gà và ong mật dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phấn nâng cao thu nhập và đời sống:

Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dưới tán rừng - Ảnh 5.

Ông Phạm Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long, huyện Thạch Thành

Ông Phạm Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long, huyện Thạch Thành cho biết: "Chúng tôi đã tận dụng được tiềm năng để nâng cao đời sống người dân. Đối với xã chúng tôi đây là hướng đi rất phù hợp trong phát triển kinh tế"

Từ cách đây gần 10 năm, huyện Thạch Thành đã xây dựng, ban hành Đề án phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, với các giải pháp và cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp nhằm khai thác, phát huy tốt lợi thế sẵn có, khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng và từng bước nhân rộng các mô hình chăn nuôi dưới tán rừng; từ đó tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi đa dạng, có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Đây là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân có nguồn sinh kế ổn định từ rừng, từ đó yên tâm tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dưới tán rừng - Ảnh 6.

Thời gian tới, huyện Thạch Thành đang tiếp tục lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi phù hợp đặc tính sinh thái của loài, nhân rộng các mô hình phát triển chăn nuôi dưới tán rừng hiệu quả. Đồng thời, huyện đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức điều tra, đánh giá cụ thể, khoa học về thực trạng phân bố các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu giá trị cao dưới tán rừng để đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ.



Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới