Hiệu quả liên kết sản xuất khoai tây tại Thanh Hóa

09:03 - 26/02/2024

Vụ đông xuân năm 2023-2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị. Việc liên kết này giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa và giúp nông dân nâng cao gí trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Vụ Đông Xuân 2023-2024, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành huyện Hoằng Hóa trồng 16 ha khoai tây. Diện tích trồng khoai tây được liên kết với Công ty Cổ phần Logistics Việt Nam và một số doanh nghiệp khác. Quá trình sản xuất, hợp tác xã được công ty chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau 80-100 ngày trồng tùy từng giống, diện tích khoai tây đang cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt trên dưới 30 tấn 1 ha. Với giá thu mua tại ruộng là 8000 đồng 1 kg, trừ chi phí, mỗi ha khoai tây cho lợi nhuận 120 triệu đồng.

Hiệu quả liên kết sản xuất khoai tây tại Thanh Hóa- Ảnh 1.

Ông Lương Quốc Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "So với các cây trồng khác, khoai tây mang lại lợi nhuận lớn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức bà con dồn điền đổi thửa, phát triển diện tích, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến".

Hiệu quả liên kết sản xuất khoai tây tại Thanh Hóa- Ảnh 2.

Theo thống kê, vụ Đông Xuân năm nay Thanh Hóa trồng trên 1000 ha khoai tây, tập trung tại một số huyện đồng bằng và ven biển như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định… Năng suất bình quân từ 18-20 tấn 1 ha, một số giống khoai tây chế biến cho năng suất khoảng 30 tấn 1 ha. Tổng sản lượng khoai tây đạt khoảng 25 nghìn tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp đang đầu tư liên kết sản xuất khoai tây. Trong quá trình liên kết sản xuất, các công ty đầu tư ứng trước cho bà con về giống, vật tư phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời bao tiêu sản cho nông dân thông qua các hợp tác xã nhằm phục vụ chế biến.

Hiệu quả liên kết sản xuất khoai tây tại Thanh Hóa- Ảnh 3.

Ông Đào Ngọc Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics Viettrans cho biết: "Cây khoai tây phù hợp với đồng đất Thanh Hóa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng liên kết, có thể lên hàng trăm ha".

Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông nghiệp Công ty TNHH thực phẩm PepsiCo Việt Nam cho biết thêm: "Nhu cầu của chúng tôi hàng năm có thể lên mấy chục ngàn tấn và đến năm 2032 có thể lên hàng trăm ngàn tấn. Đây là điều kiện mở rộng liên kết sản xuất với bà con nông dân".

Việc liên kết sản xuất khoai tây giúp cây trồng được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng cao hơn; đồng thời bà con nông dân yên tâm sản xuất vì dược hỗ trợ về giống, vật tư và không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn Thanh Hóa, diện tích đất phù hợp có thể sản xuất cây khoai tây vụ Đông Xuân hàng năm khoảng 2.500-3.000 ha. Cùng với đó, nhu cầu liên kết sản xuất, thu mua khoai tây phục vụ chế biến của cá doanh nghiệp còn khá cao. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương trong tỉnh có thể mở rộng diện tích trồng khoai tây trong những năm tới.

Hiệu quả liên kết sản xuất khoai tây tại Thanh Hóa- Ảnh 4.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: "Ngành nông nghiệp có chủ trưởng phát triển mạnh cây khoai tây vụ đông xuân. Các huyện cần đấu mối các doanh nghiệp, liên kết, tạo điều kiện tích tụ đất đai, như vậy sản xuất khoai tây mới phát triển như đúng mong muốn của ngành nông ngiệp và các huyện".

Việc liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây ở các địa phương trong tỉnh đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tăng giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV