Hiệu quả nuôi tôm an toàn sinh học

09:21 - 19/06/2022

(TTV) - Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ứng dụng phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học, đem lại hiệu quả rõ rệt. Đây được xem là hướng đi bền vững cho ngành thủy sản của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn, không còn tồn dư hóa chất, chất kháng sinh.

 

Ông Lê Hữu Hoành, trại nuôi tôm xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa.
Trang trại nuôi tôm công nghiệp của gia đình ông Lê Hữu Hoành, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa.

Với diện tích hơn 4.000m2 ao nuôi tôm công nghiệp, thay vì sử dụng các loại kháng sinh không rõ nguồn gốc như trước đây, ông Lê Hữu Hoành đã sử dụng men vi sinh (EM) để xử lý đáy ao, làm sạch nguồn nước. Đồng thời, ông sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn cho tôm để nâng cao sức đề kháng của tôm nuôi. Nhờ nuôi tôm an toàn sinh học nên tỷ lệ tôm sống được nâng cao rõ rệt, không xảy ra dịch bệnh, giúp người nuôi tôm giảm chi phí đầu vào. Ngay lứa đầu của vụ nuôi tôm xuân hè năm 2022, ông Hoành đã thu hoạch được 7 tấn tôm, doanh thu đạt 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chí còn lãi 700 triệu đồng. Ông Lê Hữu Hoành, trại nuôi tôm xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa cho biết thêm trong quá trình nuôi, gia đình chỉ lấy thức ăn ở nơi uy tín, về bổ sung thêm men tiêu hóa để cho con tôm phát triển mạnh.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 4.300 ha nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 500 ha, còn lại là nuôi tôm sú xen ghép các đối tượng tôm, cua và cá. Trong quá trình nuôi, nhiều hộ vẫn lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn và thuốc chữa bệnh. Do đó, dẫn đến hệ lụy là con tôm còi cọc, chậm lớn, đẩy giá thành lên cao và dư lượng kháng sinh tồn đọng lại trong tôm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khiến cho việc xuất khẩu gặp khó khăn.

Trước tình trạng đó, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh, các hộ nuôi trồng thủy sản. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh để nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, VietGap. Đến nay, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đã sử dụng men vi sinh, các loại chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh. Nhờ đó, hạn chế tối đa dịch bệnh, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đã sử dụng men vi sinh, các loại chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh.
Nhiều hộ nuôi tôm đã sử dụng men vi sinh, các loại chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh.

Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhân dân cũng nhận thức rõ được vai trò của việc nuôi trồng thủy hải sản đặc biệt là con tôm. Các hộ dân đã chủ động, trực tiếp liên hệ hoặc đến trực tiếp hội nông dân để liên hệ mua chế phẩm sinh học về phòng và chữa bệnh cho tôm. Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cũng khuyến cáo bà con cần hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh, trong đó một số kháng sinh Bộ Nông nghiệp đã cấm không được phép lưu hành trong danh mục thì bà con không được phép sử dụng.

Để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục quy hoạch, hình thành các vùng nuôi tôm tập trung thâm canh. Ngành nông nghiệp cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học và tiêu chuẩn VietGap./.

Lan Hương – Quốc An – Xuân Tuấn/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 19.6