Hiệu quả từ chính sách dịch vụ môi trường rừng

21:52 - 18/10/2022

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai tại Thanh Hóa từ năm 2012. Sau 10 năm thực hiện, chính sách này đã khẳng định được vai trò, hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống, cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Xã Tam Lư, huyện Quan Sơn có trên 4.600 ha đất sản xuất lâm nghiệp. Những năm qua, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của xã đạt tỷ lệ che phủ trên 91%. Cũng nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng nên hàng năm, các chủ rừng được nhận phí dịch vụ môi trường từ một số nhà máy thủy điện trên lưu vực chi trả với số tiền 110 triệu đồng. Ông Lò Văn Huyến, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mặc dù số tiền không nhiều nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, nhờ đó đã nâng cao được ý thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, giúp người dân gắn bó hơn với rừng nhằm tạo ra sinh kế nâng cao đời sống và thu nhập. Ông Phạm Ngọc Tú, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm rằng nhờ chính sách dịch vụ môi trường rừng nên trong những năm vừa qua diện tích rừng của huyện đã được duy trì và phát triển rất tốt. Đến nay Quan Sơn trở thành một trong những huyện có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất cả tỉnh, đạt gần 90%. Điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Hơn 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 30 đơn vị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm: 13 nhà máy thủy điện, 7 cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch, 9 cơ sở sản xuất công nghiệp và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Đến nay, tổng số tiền đã chi trả dịch vụ môi trường rừng là 226 tỷ đồng, cho gần 2.300 chủ rừng, với khoảng 400.000 ha rừng, chiếm trên 61% diện tích rừng toàn tỉnh, tập trung tại các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một bước ngoặt đối với nghề rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cũng như cả nước. Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng.

 Hiệu quả từ chính sách dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 2.

Ông Hà Minh Tâm, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục phát huy hiệu quả, ngoài nỗ lực của đơn vị, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền nội dung Luật Lâm nghiệp đến các chủ rừng, vận động các cơ sở sản xuất có liên quan tích cực tham gia, góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Không chỉ là kênh huy động các nguồn lực xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển rừng, chính sách dịch vụ môi trường rừng còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí để các đơn vị, địa phương tích cực trồng mới rừng. Từ năm 2014 đến nay, Thanh Hóa đã trồng được gần 7.000 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên 1.100 ha, rừng sản xuất gần 5.800 ha, đạt 213% so với kế hoạch trồng rừng thay thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao. 

 Hiệu quả từ chính sách dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 3.

Ông Mai Hữu Phúc, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm Thanh Hóa

Ông Mai Hữu Phúc, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết đây chính là lợi ích kép, hỗ trợ rất cần thiết cho nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; cũng từ đó rừng lại hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế và phát triển dân sinh. Chính vì thế đối với người dân đã yên tâm hơn đối với việc gắn bó và bảo vệ rừng.

Quỹ hỗ trợ phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã giúp các chủ rừng có thêm nguồn lực quan trọng để yên tâm giữ rừng. Qua đó, góp phần cùng ngành Lâm nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.



Nguồn: Bản tin TS tối, 18/10/2022