Hiệu quả từ chính sách xã hội hóa nghề rừng

22:16 - 09/12/2019

(TTV) - Thực hiện chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, khu vực miền núi xứ Thanh theo hướng xã hội hóa nghề rừng, đến nay chính sách đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng phục hồi rừng, gắn liền với lợi ích kinh tế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

 

Trong những năm qua, xã hội hóa nghề rừng ở Thanh Hóa nói chung, khu vực miền núi nói riêng đã thu hút được các nguồn vốn vay, tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Trong đó, phải kể đến dự án phát triển ngành lâm nghiệp WB3; dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, còn các huyện miền núi ở Thanh Hóa còn thực hiện có hiệu quả các chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; trồng rừng sản xuất 661, 147, rừng gỗ lớn...

Thực hiện chính sách giao đất giao rừng, giai đoạn từ năm 2006 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã giao khoảng 35.000 ha rừng và đất lâm nghiệp cho gần 6000 hộ gia đình dân tộc thiểu số, các hộ dân sống ở khu vực miền núi. Được giao đất, giao rừng nhiều gia đình đã hình thành, phát triển mô hình kinh tế, trong đó có hơn 80% trang trại, gia trại vườn rừng có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất cho người dân ở các huyện miền núi.

Bên cạnh đó, chính sách khoán rừng đã góp phần thay đổi nhận thức, chuyển từ tập quán khai thác là chủ yếu sang trồng mới, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ gắn với phát triển rừng kinh tế. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ dân tham gia phát triển sản xuất lâm nghiệp từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 

Theo chuyên mục Vàng trong đất ngày 9.12/TTV