Hiệu quả từ công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt

18:37 - 27/07/2022

(TTV) - Để xử lý lượng rác thải đang ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Lam Sơn đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường Thanh Hóa và UBND huyện Thường Xuân nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân.


Hiệu quả từ công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt - Ảnh 2.

Đến nay, công nghệ này đã chứng tỏ nhiều ưu thế, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xử lý rác hiệu quả tại các bãi rác.

Hệ thống xử lý rác này được ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Lam Sơn chế tạo có công suất xử lý 150 tấn/ngày. Tại huyện Thường Xuân, mỗi ngày có khoảng 50 tấn rác được đưa về đây xử lý, thì trong 3 ngày hệ thống này mới phải chạy một lần. Từ năm 2020, huyện Thường Xuân bắt đầu dừng chôn lấp tác, rác thải sinh hoạt tại một số xã đã được thu gom đưa về đây xử lý.

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt do ông Bình chế tạo thực hiện qua 3 công đoạn chính. Rác vận chuyển về nơi tập kết được phun chế phẩm sinh học theo từng lớp, đánh đống ủ vi sinh từ 20 - 25 ngày. Sau khi ủ, rác được đưa lên sàng phân loại. Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ: gạch, đá, thủy tinh…và nilon, nhựa được phân loại riêng để tái chế. Rác hữu cơ không thể tái chế, chiếm khoảng 10% sẽ được đưa vào lò đốt.Ngoài huyện Thường Xuân, hệ thống này cũng đã xử lý thành công 3.000 tấn rác thải ở huyện Nga Sơn, giảm tình trạng quá tải của bãi rác. 

Một số địa phương trên cả nước đã đến tìm hiểu công nghệ xử lý rác này. Một số tỉnh như Bắc Giang, Tuyên Quang đã áp dụng hệ thống này để thực hiện xử lý rác. Theo đánh giá của một số cơ quan chuyên môn, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần môi trường Lam Sơn được xem là hệ thống xử lý rác hiệu quả, thân thiện với môi trường, sản phẩm thu hồi có giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện có khoảng 2.700 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, nhiều bãi rác xử lý chôn lấp đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ xử lý rác sinh hoạt thông qua việc phân loại, tái chế như thế này là vô cùng cấp thiết, nhằm góp phấn nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường.

Theo Bản tin 18h30/TTV

Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn