Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ

09:20 - 29/05/2022

(TTV) - Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ đang được các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa chú trọng. Đây được coi là hướng đi bền vững góp phần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Thanh Hóa.

 

ng Đỗ Xuân Sơn, thôn 4, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ từ các nguyên liệu tự nhiên
Ông Đỗ Xuân Sơn, thôn 4, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ từ các nguyên liệu tự nhiên cho cây trồng.

Trên 5 ha bưởi, cam, ông Đỗ Xuân Sơn, thôn 4, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ từ các nguyên liệu tự nhiên, thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học. Qua việc sử dụng phân bón hữu cơ, đất được cải tạo rõ rệt, tăng tuổi thọ của cây, giá trị kinh tế cũng tăng gấp 2 lần so với trước. Đặc biệt, sản phẩm đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGap nên tiêu thụ ổn định. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch CoVid-19 trang trại của ông Sơn vẫn tiêu thụ trên 50 tấn bưởi, 5 tấn cam. Ông Đỗ Xuân Sơn, thôn 4, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ “Sản phẩm của nhà lúc thu hoạch bán vẫn dễ hơn các nhà nông hộ khác vì chất lượng ăn nó ngọt, thơm hơn, cây lại khỏe hơn so với cây dùng phân hóa học” .

Đến nay, trên địa bàn Thanh Hóa có trên 1.700 ha cây ăn quả, lúa, mía, rau màu được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap, 330 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, đã hình thành vùng trồng lúa hữu cơ liên kết với diện tích 310 ha tại các huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định. Việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ đã hạn chế được sâu bệnh, cải tạo đất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Theo các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất rau, quả, mía, lúa… VietGap, hữu cơ nên năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống.Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGap, hữu cơ còn giúp nông dân các địa phương trong tỉnh nâng cao nhận thức về vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm.

Ông Phạm Tiến Văn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lang Chánh cho biết thêm: Hiện tại thị trường, khách hàng cũng đang ưu chuộng sản phẩm sạch, an toàn, thị trường tiêu thụ ở các thành phố lớn và tập trung vào các khu đô thị những nhà hàng, khách sạn những nơi hàng hóa chất lượng cao giá cả cũng phù hợp và mình sẽ có lợi nhuận cao. Ông Đỗ Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, cũng cho biết: Hội nông dân xã tổ chức tập huấn các hộ làm trang trại;1 là có kinh nghiệm trao đổi, 2 là tập huấn về an toàn. Các chế phẩm các hộ dùng không dùng đến thuốc BVTV, hóa học, chủ yếu là dùng đậu tương, cá, chế phẩm sinh học an toàn vê sinh môi trường và an toàn sức khỏe của con người.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình, tiêu chuẩnVietGap, hữu cơ, các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa khuyến khích các hộ sản xuất liên kết, hình thành các hợp tác xã để xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, áp dụng phương thức canh tác VietGap, hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất; khuyến khích người dân thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ sinh học có nguồn gốc thảo dược trong sản xuất nông nghiệp./.

Lan Hương – Đăng Tuyển – Thanh Tùng/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 29.5