Hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh

21:28 - 04/04/2023

Nhằm giảm thiểu rác thải phát tán ra môi trường, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã triển khai mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh, qua đó tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp tại các khu dân cư.

Trước đây, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày thường được  gia đình bà Nguyễn Thị Sơn thu gom để đốt thủ công, hoặc có khi đổ ra các bãi đất trống, gây ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2021, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của Hội Nông dân thị trấn Vân Du, gia đình bà Sơn và các hộ dân địa phương đã thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt để  xử lý thành phân vi sinh. Nhờ đó, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp các hộ dân thu được lượng phân bón vi sinh để bón cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Sơn, Khu phố 1, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi thấy mô hình này rất phù hợp với gia đình, cũng như nhiều hộ dân ở nông thôn có nhiều rác hữu cơ phát sinh. Chúng tôi đã tiết kiệm được chi phí cho sản xuất nông nghiệp".

Ông Nguyễn Đình Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Từ hiệu quả của mô hình, đến nay trên địa bàn thị trấn, mô hình này đã được triển khai rộng rãi, qua đó đã nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn".

Tại huyện Yên Định, đến nay các cấp hội nông dân đã triển khai xây dựng được 69 mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh, với sự tham gia của hơn 4000 hộ dân ở 22 xã, thị trấn, qua đó giúp giảm được khoảng 20 đến 30% lượng rác trong các khu dân cư và thu được lượng phân vi sinh đáng kể phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Liên, thôn Yên Định, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Mô hình này rất phù hợp với người dân chúng tôi; không chỉ đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường, giảm lượng rác thải đổ ra bên ngoài mà còn nâng cao được hiệu quả, có lượng phân hữu cơ để bón cho cây trồng".

Theo Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, hiện nay mô hình đã được triển khai ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với sự tham gia của hàng chục nghìn hộ gia đình. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân đã xây dựng được trên 620 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường nông thôn; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật về sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt cho gần 300 nghìn lượt cán bộ hội viên nông dân. Thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ tiếp tục tuyên truyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình, góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường và phát huy lợi ích kinh tế của mô hình.


Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 4/4/2023