Hỗ trợ kích cầu - Đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới

Để hoàn thành các tiêu chí cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới cần nguồn vốn khá lớn, trong khi nguồn lực các xã khu vực nông thôn còn hạn chế. Do vậy, ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh thì các địa phương trong tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ riêng, tạo“ đòn bẩy” để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.

Nhà văn hóa thôn Quần Đội, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân do xây dựng lâu năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ nguồn hỗ trợ kích cầu xi măng của huyện, xã, thôn đã kêu gọi con em xa quê đóng góp thêm, người dân hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện, kết hợp với ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa. Đến nay, nay nhà Văn hóa thôn Quần Đội đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí 500 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Ông Lê Đức Thắm, Trưởng thôn Quần Đội, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân cho biết: "Được Nhà nước hỗ trợ kích cầu hỗ trợ xi măng 6 -70 triệu, tạo động lực cho bà con góp công, góp sức cùng con em đi làm ăn xa làm nên nhà văn hóa. Bà con rất phấn khởi".

Hỗ trợ kích cầu - Đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai chính sách hỗ trợ các địa phương nguồn vốn và xi măng xây dựng các công trình cơ bản. Trên cơ sở đó, các huyện đã rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, như: thưởng các địa phương đạt chuẩn; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn  hóa... Tùy điều kiện thực tế, các xã cũng đã huy động nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; lồng ghép các chương trình để hỗ trợ kích cầu cho các thôn, bản xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn... Bên cạnh đó, các địa phương còn tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa trong cộng đồng; vận động người dân tự nguyện hiến đất, ngày công lao động để giảm chi phí xây dựng các công trình.

Hỗ trợ kích cầu - Đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chp biết: "Từ chính sách của huyện, xã đã tính toán, xây dựng chính sách kích cầu hỗ trợ Nhân dân đổ đường bê tông, xây mương thoát nước, trát tường rào, hỗ trợ 20% công trình... các chính sách này  động viên, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới".

 Chỉ tính riêng trong 2 năm 2021 - 2022, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ 297 tỷ đồng để hỗ trợ cho các xã xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, đã kích cầu các địa phương trong tỉnh huy động được hơn 10 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, giai đoạn 2021- 2022, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 32 xã và 148 thôn, bản nông thôn mới; 45 xã nông thôn mới nâng cao; 9 xã và 247 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV