Hoằng Hoá: Các làng nghề đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị cho Tết

09:14 - 13/01/2024

Chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hiện nay, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Hoằng Hoá đang tập trung nguyên liệu, nhân lực, đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, hơn 2 tháng qua, các cơ sở sản xuất ở làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá đã đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết.

Hoằng Hoá: Các làng nghề đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị cho Tết- Ảnh 1.

Ngoài việc huy động tất cả các thành viên trong gia đình, 150 hộ sản xuất ở đây còn thuê thêm lao động để đảm bảo chất lượng và số lượng các đơn hàng. Thời điểm này, các mặt hàng đều được đặt với số lượng tăng gấp 2 lần so với các tháng bình thường trong năm. Ông Lê Văn Đồng, làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá cho biết: "Gần cuối năm, khách hàng đều muốn có cho mình một hai sản phẩm truyền thống của địa phương, nên những mặt hàng sản phẩm này vào dịp cuối năm tăng lên khoảng tầm 20 - 30% sản lượng. Về mặt bằng giá cả nói chung cũng không dao động tăng nhiều, bình ổn như mọi năm".

Những ngày này, tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Hoằng Hóa, như: làng nghề nước mắm Khúc Phụ ở xã Hoằng Phụ, hương Đông Khê ở xã Hoằng Quỳ, nghề mộc Đạt Tài ở xã Hoằng Hà, mộc Hạ Vũ ở xã Hoằng Đạt… không khí làm việc rất sôi động và khẩn trương.

Hoằng Hoá: Các làng nghề đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị cho Tết- Ảnh 2.

Nghề làm quanh năm, thế nhưng, cứ mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, nên các hộ làm nghề phải hoạt động hết công suất. Hiện tại, trong mỗi gia đình sản xuất nước mắm ở làng nghề Khúc Phụ đều có từ 60 đến 80 tấn mắm ủ chượp với sản lượng tiêu thụ khoảng 2.000 lít nước mắm/tháng. Các làng nghề khác cũng tăng cường nhập đủ nguyên liệu để sản xuất. Ông Nguyễn Văn Các, làng nghề nước mắm Khúc Phụ, huyện Hoằng Hoá cho biết: "Cách đây một tháng tất cả các sản phẩm về mắm là công ty đã tăng lên, lượng gấp bốn năm lần, có khi lên đến mười lần so với nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Công ty cũng đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất để cung cấp cho bà con trong dịp tết".

Hiện nay, huyện Hoằng Hóa có 12 nghề và làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động, các làng nghề còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá đặc trưng riêng.

Hoằng Hoá: Các làng nghề đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị cho Tết- Ảnh 3.

Để giúp các làng nghề phát triển, những năm qua, UBND huyện Hoằng Hoá đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn chủ thể tại các làng nghề tham gia Chương trình OCOP. Tính đến nay toàn huyện đã có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Ông Trương Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND huyện Hoằng Hoá cho biết: "UBND huyện cũng đang tiến hành các đoàn kiểm tra và đặc biệt xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, đồng thời chấn chỉnh hoạt động sản xuất thực phẩm trên toàn địa bàn huyện để đảm bảo đưa những sản phẩm đảm bảo về an toàn vệ sinh đến với người tiêu dùng".

Một mùa xuân mới đang về, các cơ sở sản xuất ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hoằng Hóa cũng như trong cả nước đang hối hả, mải miết cho những đơn hàng Tết. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà sản phẩm từ các làng nghề, cơ sở truyền thống còn góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 13/1/2024