Hoằng Hoá phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

07:23 - 24/04/2022

(TTV) - Thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP đã được huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh thực hiện . Đến nay, Hoằng Hóa đã xây dựng được 35 mô hình rau , củ, quả VietGap, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

 

hệ thống nhà lưới, nhà màng với diện tích 3.500m2.
Hệ thống nhà lưới, nhà màng của gia đình anh Lê Ngọc Nam có diện tích 3.500m2.

Trước kia khu đất trũng rộng gần 2 ha ở thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hoá bị bỏ hoang. Nhận thấy xu thế phát triển trang trại nông nghiệp an toàn mang lại giá trị kinh tế cao, đầu năm 2018 gia đình anh Lê Ngọc Nam đã mạnh dạn thuê lại, tập trung san lấp mặt bằng, xây dựng và lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà màng với diện tích 3.500m2.

Ban đầu gia đình anh Nam chỉ trồng các loại rau sạch đạt chuẩn Vietgap, sau đó tiếp tục đưa thêm cây dưa Kim Hoàng Hậu vào trồng. Những năm qua, toàn bộ các diện tích cây trồng của gia đình đều có đầu ra và thu nhập ổn định. Anh Lê Ngọc Nam, thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết việc áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ mamg lại giá trị cao, vừa bảo vệ sức khoẻ người sản xuất vừa bảo vệ người tiêu dùng.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa cho biết, toàn huyện đã có 7 ha nhà màng, 8 ha nhà lưới, 75 ha sản xuất rau, củ, quả đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó nhiều chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau quả có liên kết đã được hình thành. Với sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền, mỗi ha trồng trọt theo hướng Vietgap được hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng, Hoằng Hoá đã hình thành được 3 vùng sản xuất tập trung, có quy mô từ 300 đến 350 ha. Hiệu quả kinh tế đối với diện tích sản xuất trồng trọt quy mô lớn, đạt chứng nhận VietGAP đều cao hơn so với sản xuất thông thường từ 1,5 đến 2 lần.

Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: xã đã quan tâm và có nhiều chính sách như tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các thôn tham gia tích tụ ruộng đất, hỗ trợ các hộ nhân rộng mô hình nông nghiệp Vietgap, việc nhân rộng sẽ không chỉ mang lại giá trị cao mà còn góp phần thay đổi tư duy canh tác, sản xuất. Ông Lê Trọng  Hoà, Phó trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hoá, tinh Thanh Hoá cho biết thêm: Nhận thấy giá trị của các mô hình sản xuất VietGap thời gian qua huyện đã có nhiều chính sách, cơ chế, thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện tập trung kêu gọi thu hút doanh nghiệp, tạo thành phong trào mạnh và nhân rộng nhiều mô hình trên địa bàn huyện.

Hoằng Hoá phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của huyện sẽ đạt 1.250 ha, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao đạt 880 ha, diện tích sản xuất được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hoặc tương đương 200 ha.

Để đạt đươc mục tiêu đó, huyện sẽ tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với đất đai; từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nhất  là phát triển các vùng trồng trọt để khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất và mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Thanh Hường – Xuân Tuấn/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 24.4