Hoạt động doanh nghiệp năm 2019 nhiều cơ hội và thách thức

18:30 - 08/02/2019

(TTV) - Năm 2018, Thanh Hóa có hơn 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhiều nhất từ trước đến nay. Hoạt động doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa, với mức tăng trưởng GRDP 15,16%, cao thứ 3 cả nước . Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp và những cải cách mạnh mẽ của tỉnh về môi trường đầu tư kinh doanh. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực, tỉnh Thanh Hóa đang có thế và lực mới, để phát triển, các doanh nghiệp tin tưởng, kỳ vọng năm 2019 sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt tốt thời cơ, vận hội mới.

 

​Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mới
​Hiệp định CPTPP và hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mới sẽ tạo động lực và thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dệt may, da giày và chế biến nông, thủy sản.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mới giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực đang được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi đối với doanh nghiệp Thanh Hóa, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, da giày và chế biến nông, thủy sản. Đáng chú ý là đứng trước yêu cầu nâng cao năng lực để cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã có những nỗ lực lớn trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, liên kết, hợp tác nắm bắt cơ hội tiếp cận và phát triển thị trường.

Năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa kỳ vọng và có niềm tin lớn vào sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, của chính quyền các cấp để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng và hoàn thiện thể chế, giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai, tiếp cận và gia nhập thị trường.

Những năm qua, với việc tạo nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh Hóa đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 – 2018, toàn tỉnh đã có  hơn 7.500 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 6 cả nước. Bình quân hàng năm, các doanh nghiệp đóng góp khoảng 40% vào tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Đặc biệt, Thanh Hóa đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, có sức lan tỏa trong khu vực và trên cả nước. Đây chính là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân mở rộng đầu tư và khởi nghiệp.

Bên cạnh những  thời cơ và thuận lợi, năm 2019, doanh nghiệp sẽ phải đứng trước những thách thức về vốn, trình độ nguồn nhân lực và công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới thiết bị, nhanh chóng nắm bắt xu hướng sử dụng công nghệ mới, hiện đại. Trong khi đó, doanh nghiệp Thanh Hóa chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp còn yếu, khả năng thích ứng và hội nhập chưa cao, chưa có những doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Thanh Hóa đều lạc quan cho rằng, trong thách thức sẽ có cơ hội. Chủ động đổi mới, phát huy tối đa nguồn lực và nắm bắt tốt thời cơ, vận hội, doanh nghiệp sẽ có điều kiện bứt phá, phát triển và vững bước trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Hồng Ngọc - Thanh Văn - Thanh Tùng