Học Bác chăm lo cho người nghèo

22:06 - 06/06/2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn coi việc chăm lo đời sống người dân, nhất là với những người nghèo, đối tượng yếu thế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Để chăm lo cho đời sống Nhân dân như lời Bác dạy, tỉnh Thanh Hóa đã đặt mục tiêu về giảm nghèo bền vững. Bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, các địa phương tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng các nguồn sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Nhờ vậy, các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống, vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế, được tập huấn kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Nhiều hộ nghèo đã thay đổi tập quán, thói quen canh tác lạc hậu trước đây, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Học Bác chăm lo cho người nghèo - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Quyết, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước đây thâm canh làm lúa, ngô, nương rẫy, hiệu quả kinh tế kém, giờ chuyển sang cây công nghiệp từ đó giảm nghèo. Bà con thấy hiệu quả kinh tế cao, xóa được đói giảm nghèo".

Trong 3 trụ cột giảm nghèo bền vững, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, theo phương châm "hỗ trợ cần câu hiệu quả hơn hỗ trợ con cá". Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư cho các trường nghề nâng cao năng lực đào tạo và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo. Tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 59.900 lao động, trong đó đưa hơn 11.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức thành công 41 phiên giao dịch việc làm.

Học Bác chăm lo cho người nghèo - Ảnh 3.

Chị Cao Thị Tú, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tham gia ngày hội việc làm, tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều công việc của các công ty. Và tôi đã lựa chọn được công việc đi xuất khẩu lao động, để góp phần giảm nghèo cho gia đình".

Học Bác chăm lo cho người nghèo - Ảnh 4.

Một trong những hình thức giúp đỡ người nghèo được tỉnh Thanh Hóa chú trọng trong những năm qua là lo "an cư" cho người nghèo thông qua việc vận động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, đơn vị ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" để hỗ trợ các hộ khó khăn về nhà ở. Chỉ riêng trong năm 2022, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận hơn 79,7 tỷ đồng tài trợ. Từ nguồn quỹ này cộng với sự nỗ lực của chính các hộ nghèo, toàn tỉnh đã làm mới và sửa chữa hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đến năm 2022, Thanh Hóa giảm được gần 17.800 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,99%, vượt 0,29% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.

Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa

Học và làm theo Bác về quan tâm đến đời sống Nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn Thanh Hóa đang ra sức chung tay giúp những hộ nghèo, những người yếu thế vươn lên trong cuộc sống vì mục tiêu phát triển bền vững.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV