Học sinh gặp khó sau khi xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn

09:32 - 14/03/2023

Thời gian qua, nhiều xã khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thanh Hoá đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Vì thế mọi chính sách hỗ trợ cho học sinh khu vực này cũng không còn. Khó khăn trong sự học ở vùng cao cũng vì thế mà càng gian nan, chồng chất hơn.

Khu nhà ở bán trú  của Trường PT dân tộc bán trú THCS Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá vừa được đưa vào hoạt động chưa lâu, nay phải đóng cửa… Khu nhà ăn bán trú cũng bị bỏ không… Nguyên nhân là do từ giữa năm 2021, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn. Học sinh không còn được hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú đẫn đến hình thức bán trú của nhà trường phải dừng hoạt động, toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng đã đầu tư lại trở thành lãng phí. Dự kiến sắp tới trường PT dân tộc bán trú THCS Trung Hạ cũng chuyển đổi thành trường THCS không bao gồm bán trú.

Học sinh gặp khó sau khi xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh 2.

Học sinh gặp khó sau khi xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh 3.

Ông Phạm Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường PT dân tộc bán trú THCS Trung Hạ

Ông Phạm Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường PT dân tộc bán trú THCS Trung Hạ cho biết: "Đối tượng học sinh bán trú là đối tượng học sinh không thể đi và trở về nhà trong ngày. Nhưng hiện nay các em không được hưởng chế độ bán trú do đó tỷ lệ học sinh đi học muộn, lác đác một số học sinh bỏ học, ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số của nhà trường. Chúng tôi đã tuyên truyền thực hiện bán trú chế độ dân nuôi nhưng không thực hiện được nên không thực hiện được bán trú."

Không có tiền đóng bán trú, bắt buộc học sinh sau giờ tan học phải về nhà ăn cơm trưa. Có những học sinh phải vượt quãng đường 4 – 5km đèo dốc, sông suối… để về nhà. Và có những học sinh, phải bỏ buổi học chiều do không kịp tới lớp.

Học sinh gặp khó sau khi xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh 4.

Em Vi Hà Ánh, Học sinh lớp 7A, trường PT dân tộc bán trú THCS Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Ngày trước cháu ở bán trú, được thầy cô hỗ trợ thuận tiện hơn. Nhưng nhà cháu không có đủ điều kiện nên sau mỗi buổi học cháu phải tự đạp xe về nhà. Nhà cháu cách trường 5km mà nguy hiểm, nên cháu cũng tính nghỉ học."

Không chỉ học sinh, các giáo viên đứng lớp ở những xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn cũng không còn chính sách hỗ trợ. Nhiều người trong số họ là những giáo viên cắm bản, nhà ở dưới xuôi lên hoặc nhà cách trường cũng vài chục cây số. Với những thầy cô giáo dạy ở vùng cao này, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Học sinh gặp khó sau khi xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh 5.

Cô Cao Ngọc Dung, Giáo viên trường THCS Phú Thanh, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Cô Cao Ngọc Dung, Giáo viên trường THCS Phú Thanh, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Trước đây xã được hưởng vùng nên lương của thầy cô được hỗ trợ phần nào. Từ khi cắt, lương của giáo viên cũng bị cắt giảm theo. Một giáo viên mới ra trường như em lương bị giảm đi, gặp rất nhiều khó khăn."

Theo Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hoá có hàng nghìn học sinh không còn được hưởng chế độ của vùng đặc biệt khó khăn. Nguy cơ học sinh ở các vùng sâu vùng xa, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo bỏ học là rất cao. Trước thực trạng đó, các nhà trường đã làm gì để duy trì sự học nơi vùng cao? Phóng viên  Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hoá sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 14/03/2023