Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cho ý kiến vào một số nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao

21:22 - 03/12/2022

Ngày 3/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục ngày làm việc thứ 2 để cho ý kiến vào một số nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Hội nghị Ban thường vụ Tỉnh uỷ

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Ảnh 1.

Cho ý kiến vào Đề án "Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030", các ý kiến đều thống nhất cao với sự cần thiết phải xây dựng đề án. Thanh Hoá có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất, cùng với 6 dân tộc thiểu số gồm: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú. Ngoài ra còn có người dân tộc khác cư trú rải rác trên địa bàn tỉnh với số lượng không đáng kể. Trong đó, 6 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống tập trung tại 11 huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Mỗi dân tộc đều mang những nét đặc trưng riêng về văn hoá, góp phần tạo nên giá trị và bản sắc văn hoá xứ Thanh. Các đại biểu đều cho rằng: việc xây dựng Đề án "Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030" là thực sự cần thiết, thể hiện quyết tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về việc phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhằm hiện thực hoá quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, toàn diện, hài hòa của tỉnh.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Ảnh 2.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết vì 6 dân tộc thiểu số của tỉnh Thanh Hoá đều có tiếng nói và trang phục riêng, trong đó 3 dân tộc có chữ viết riêng đó là: Thái, Mông và Dao.

Đối với tên gọi đề án, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị sửa thành: "Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030"

Về quan điểm của đề án, ngoài những nội dung đã được nêu trong dự thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị cần nhấn mạnh thêm: Đặc biệt coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị mới về tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào; bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc đi đôi với sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông; khuyến khích người chưa biết tiếng phổ thông học tiếng phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ và đồng bào các dân tộc thiểu số phải học tập để sử dụng thành thạo tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; phải có sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc khác để làm giàu văn hoá của dân tộc mình, phù hợp với quan điểm xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Ảnh 3.

Để thực hiện hiệu quả đề án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông ưu tiên tài trợ cho các tác giả người dân tộc thiểu số có khả năng sáng tạo các tác phẩm về đề tài dân tộc miền núi. Quan tâm tổ chức, điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số để sớm giảm tỷ lệ hộ nghèo và ổn định, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, xóa mù chữ và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Khi Đề án được phê duyệt, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan khi tổ chức quán triệt, triển khai Đề án, đồng thời tập trung tuyên truyền sâu rộng để đề án nhanh chóng phát huy hiệu quả.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Ảnh 4.

Cho ý kiến vào "Đề án xây dựng và phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đến năm 2030", Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất nội dung và sự cần thiết phải ban hành đề án. Các ý kiến nêu rõ: trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đô thị văn minh, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao các cấp được đầu tư sửa chữa, xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao trên toàn tỉnh còn chậm và chưa đồng bộ, nhất là các thiết chế văn hoá, thể thao cấp tỉnh. Đa số các thiết chế văn hoá, thể thao cấp tỉnh được cải tạo từ những cơ sở cũ nên chưa đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt văn hoá của Nhân dân và chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đến nay, vẫn còn 25 trên 27 đơn vị cấp huyện chưa có nhà văn hoá thiếu nhi, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản chưa có trung tâm văn hoá, thể thao. Vì vậy, Đề án "Xây dựng và phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đến 2030" sẽ tạo cơ sở định hướng, triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhằm tăng cường cơ sở vật chất văn hoá, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu hoàn thiện hạ tầng văn hoá, thể thao được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cho ý kiến vào một số nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao - Ảnh 6.

Đối với Đề án "Phát triển thể thao tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng thống nhất cao với các nội dung đề án nêu. Tuy nhiên phần mục tiêu tổng quát, đồng chí đề nghị đề án phải xác định rõ mục tiêu giữ vững và phát triển thể dục, thể thao tỉnh Thanh Hóa trong nhóm top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp tại hội nghị, khẩn trương hoàn thiện các đề án để ban hành và triển khai thực hiện. 



Nguồn: Bản tin thời sự tối TTV