Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa

18:59 - 05/11/2022

Sáng 5/11, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Phần lớn sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được duy trì ở mức ổn định, một số sản phẩm cao hơn năm trước. Toàn tỉnh hiện có 236 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Các điển hình tốt về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy. Công tác kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm ngày càng được thực hiện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đặc biệt thương mại điện tử được đẩy mạnh. Tuy nhiên, sản xuất sản phẩm nông nghiệp còn nhỏ lẻ, trình độ hạn chế, nên khó áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến dẫn đến năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh chưa cao. Hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ nông sản còn thiếu bền vững; chưa phát huy được vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong việc xây dựng, duy trì và phát triển các liên kết chuỗi giá trị.

Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 2.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu mở rộng thị trường các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa; nâng cao vai trò của các ngành, địa phương, HTX, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh: để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, kết nối các cơ sản xuất với cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, các sở, ngành, các địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP; kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu; khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại. Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp, HTX cần chú trọng đổi mới khâu tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng gắn với giữ vững thương hiệu sản phẩm, tăng cường kết nối, năng động trong tìm kiếm thông tin thị trường, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nội địa và hướng tới mở rộng thị trị xuất khẩu.

Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 3.

Các đơn vị, doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ

Tại hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và các hợp đồng sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2023.

Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021 - 2022 đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.



Nguồn: Bản tin thời sự tối TTV