Hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hoà giải

19:40 - 13/07/2020

(TTV)- Sáng 13/7, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao và Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở". Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo Chính Phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Các bộ, ngành, đoàn thể trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Hội nghị được nối cầu trực tuyến đến 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội nói chung, công tác hoà giải ở cơ sở nói riêng. Trong những năm gần đây, do làm tốt công tác dân vận, hoạt động hoà giải tại cơ sở, tại toà án đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giải quyết nhiều vụ việc từ cơ sở, qua đó khơi dậy những giá trị nhân văn trong ứng xử và giải quyết mâu thuẫn. 

Do làm tốt công tác hoà giải, nhiều vụ việc đã không phải giải quyết bằng một vụ án, nhiều địa phương không có đơn thư khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, không có tội phạm nguy hiểm. Đồng chí trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, hội nghị là dịp để đánh giá kết quả 6 năm thực hiện luật hoà giải cơ sở và chuẩn bị các điều kiện để triển khai các nội dung của luật đối thoại hoà giải tại Toà án nhân dân vừa được Quốc Hội thông qua. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được đồng thời nêu rõ những tồn tại hạn chế, đưa ra những đề xuất kiến nghị để công tác dân vận trong hoạt động hoà giải đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Từ năm 2014 đến năm 2019, các tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành công 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,9%. Những kết quả trên đã khẳng định vị trí vai trò quan trọng của công tác hòa giải trong đời sống xã hội với tư cách là phương thức giải quyết tranh cấp, xung đột mang tính nhân văn, ít tốn kém và hiểu quả, góp phần giảm tải cho toà án nhân dân các cấp. Công tác dân vận tốt sẽ là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công hoạt động hoà giải, do đó trong thời gian tới, công tác dân vận phải được vận dụng theo phương châm muốn hoà giải thành phải dân vận khéo.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị các đồng chí lãnh đạo Chính Phủ, Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đều thống nhất quan điểm để hoạt động hoà giải cơ sở có đạt hiệu quả cao cần tăng cường hơn nữa công tác dân vận. Theo đó, cán bộ làm công tác hoà giải không chỉ là người hiểu biết pháp luật mà còn cần phải là người có uy tín, có tâm thì mới giải thích và thuyết phục được các bên đi đến thống nhất và hoà giải. Tuy nhiên, để công tác hoà giải thực sự hiệu quả cần có sự quan tâm lãnh đạo,chỉ đạo của các cấp uỷ, tạo điều kiện về nguồn kinh phí và đặc biệt phải phát huy được vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể.

Theo Thời sự tối 13/7/2020