Hội thảo khoa học Xây dựng trường chính trị chuẩn

19:44 - 15/09/2019

(TTV) - Ngày 15/9, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ, với chủ đề: "Xây dựng Trường Chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay".

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo các tỉnh, thành bạn, đại diện Ban Tổ chức Trung ương và đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của hội thảo khoa học “Xây dựng Trường Chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay” trong bối cảnh cả nước đang tiến hành cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thông tin về quy mô, vị thế và bước phát triển vượt bậc của Thanh Hoá trong những năm gần đây, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Nhân tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định giúp Thanh Hóa đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trong nhiều năm qua, là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, được Tỉnh ủy Thanh Hóa đặc biệt coi trọng. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ quyết liệt, khoa học, bài bản trong lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành địa phương đi đầu trong thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, khóa 12), Nghị quyết Trung 6 (khóa 12).

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thanh Hóa và các cấp uỷ đảng trong tỉnh luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ của tỉnh phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự phát triển đi lên của tỉnh. Cùng với việc tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đều được Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa xác định là chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, tỉnh luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ; thực hiện nghiêm việc rà soát quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.

Xác định rõ vị trí, vai trò của Trường Chính trị tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp, giải pháp nhằm xây dựng trường phát triển trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh và khu vực; quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, cũng như của khu vực Bắc Trung bộ và tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Tỉnh ủy Thanh Hóa sẽ chỉ đạo Trường Chính trị tỉnh và các ban, ngành chức năng tiếp thu tối đa kết quả của hội thảo lần này,  góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành  “Tỉnh kiểu mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

Gợi ý các nội dung thảo luận tại hội thảo, GS – TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Muốn có được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm, trước hết, phải bắt đầu bằng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là bồi dưỡng về lý luận chính trị, phải nhất quán từ Trung ương đến cơ sở. Và, muốn làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, phải xây dựng trường chính trị đạt chuẩn, coi đó là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu  khoa học, tổng kết thực tiễn để trường chính trị thực sự là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của địa phương, đồng thời, là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng chính sách và tư vấn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên tinh thần đó, GS – TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung bàn bạc, thảo luận 5 nội dung: Thứ nhất là chuẩn hoá nội dung chương trình và quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Hai là chuẩn hoá trong công tác nghiên cứu khoa học. Ba là về tổ chức, bộ máy của các trường chính trị. Bốn là về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên và thứ 5 là về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính.

Từ kết quả của Hội thảo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương có liên quan hoàn thiện bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn, để trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Thanh Hoá và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các tham luận tập trung làm sáng tỏ vị trí, vai trò của công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; những yêu cầu đặt ra trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý chia sẻ những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn; nêu ra những đặc thù trong chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt động của các trường chính trị theo Quy định số 09 ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư (khóa XII); sự cần thiết xây dựng trường chính trị chuẩn; các nhóm tiêu chí trường chính trị chuẩn; yêu cầu đặt ra trong xây dựng trường chính trị chuẩn. Nhiều tham luận trình bày những nghiên cứu đánh giá thực trạng hoạt động của trường chính trị trên những mặt công tác chủ yếu: đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất; những thuận lợi, khó khăn trong triển khai xây dựng các tiêu chí trường chính trị chuẩn.

Trên cơ sở trao đổi các kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, các đại biểu tham gia Hội thảo đã đề xuất những giải pháp tâm huyết, có giá trị, về xây dựng trường chính trị đạt chuẩn trên các mặt công tác chủ yếu, theo gợi ý của GS – TS Nguyễn Xuân Thắng. Hội thảo cũng kiến nghị với Đảng và Nhà nước những vấn đề có liên quan về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các trường chính trị cấp tỉnh thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Ban Bí thư./.

Theo Chương trình Thời sự tối 15/9