Hội thảo Lịch sử Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020)

19:45 - 09/11/2023

Chiều ngày 9/11, Ban Chỉ đạo biên soạn sách Lịch sử Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 – 2020) đã tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến đóng góp để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương cuốn sách. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo và đại tá Lê Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí: Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4; Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đại diện Viện lịch sử Quân sự Việt Nam, các cơ quan thuộc Quân khu 4, các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban nội dung, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo Lịch sử Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020) - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu gợi mở thảo luận tại hội thảo, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: sau gần ba năm tổ chức nghiên cứu và biên soạn, với tinh thần trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo, Ban nội dung, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã làm việc tận tâm, nghiêm túc, nỗ lực lớn để hoàn thành bản thảo Cuốn sách lịch sử quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020), gồm 2 tập: tập 1 về giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1975; tập 2 về giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2020. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng trong bản thảo công trình vẫn còn những thiếu sót, nhiều nội dung cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khoa học hơn. Do vậy, Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những cán bộ làm thực tiễn để tiếp tục sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện cuốn sách. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về bố cục tổng thể và chi tiết từng chuyên mục của công trình; trực tiếp bổ sung, chỉnh sửa những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp hoặc chưa chính xác trong bản thảo công trình; đặc biệt là việc đúc kết những bài học lịch sử, những kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bảo vệ quê hương, đất nước để vận dụng vào công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo Lịch sử Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020) - Ảnh 3.

Các tham luận tại hội thảo đều đánh giá cao và cơ bản thống nhất với nội dung của bản thảo; công trình được tổ chức biên soạn công phu, khoa học; phạm vi, phương pháp nghiên cứu và văn phong phù hợp lĩnh vực khoa học lịch sử quân sự; bố cục, kết cấu chương mục rõ ràng, mạch lạc. Nội dung bản thảo đã nêu bật được những thành tựu nổi bật, những dấu mốc quan trọng của hoạt động quân sự Thanh Hóa qua các thời kỳ, đúc rút được các bài học kinh nghiệm để vận dụng trong thực tiễn.

Hội thảo Lịch sử Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020) - Ảnh 4.

Các đại biểu dự Hội thảo

Bên cạnh đó, các tham luận cũng chỉ ra một số điểm chưa hợp lý, đồng thời đề nghị: trong diễn đạt cần chú trọng phân tích, tìm ra mối liên hệ giữa các sự kiện chứ không chỉ liệt kê, phản ánh đơn thuần theo dạng biên niên sử; cần xác định rõ đối tượng nghiên cứu là Lịch sử quân sự tỉnh Thanh Hóa, không lẫn với lịch sử đảng bộ hoặc lịch sử lực lượng vũ trang. 

Hội thảo Lịch sử Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020) - Ảnh 5.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh và đồng chí Lê Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì Hội thảo

Về phương pháp, trong bản thảo hiện đang có mục trình bày theo tiến trình thời gian, có mục theo sự kiện, vấn đề, nên thống nhất một phương pháp trình bày. Ngoài ra, các tham luận cũng cho rằng: nhiều sự kiện quan trọng trong hoạt động quân sự tỉnh ở một số thời kỳ chưa được đề cập, hoặc đề cập chưa đầy đủ; việc trích dẫn một số nội dung liên quan đến chủ trương của cấp trên như các chỉ thị, nghị quyết, quyết định trong từng mốc thời gian cụ thể chưa chính xác, trích dẫn còn dài; trình bày các bài học lịch sử có nội dung chưa sát với tiêu đề, việc vận dụng và phát triển các bài học trong giai đoạn hiện nay chưa rõ nét.

Hội thảo Lịch sử Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020) - Ảnh 6.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: sách Lịch sử Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1930 – 2020)  là một công trình khoa học mang ý nghĩa lịch sử và cách mạng sâu sắc, tạo thành hệ thống tài liệu có giá trị thực tiễn và lý luận, góp phần làm sáng tỏ sự thật lịch sử, cung cấp những luận cứ khoa học để góp phần xây dựng quân đội, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng tư duy, nghệ thuật quân sự. Đồng thời, công trình sau khi hoàn thành cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, tuyên truyền đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước cho toàn dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng và rất giá trị của các đại biểu, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại hội thảo, đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về nội dung và hình thức, bố cục, văn phong của bản thảo 2 cuốn sách. Ban Chỉ đạo, Ban nội dung sẽ nghiêm túc tiếp thu để bổ sung, hoàn chỉnh bản thảo trước khi in và phát hành. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho ý kiến đối với một số nội dung cụ thể của bản thảo, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cần bổ sung thêm tư liệu hình ảnh liên quan đến lịch sử quân sự của tỉnh, để các cuốn sách thêm phong phú về nội dung, sinh động, hấp dẫn về hình thức, dễ được độc giả đón nhận, từ đó phát huy tốt giá trị sau khi phát hành.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV