Hội thi giã bánh dày - nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của bào Mông xứ Thanh khi Tết đến, xuân về

11:09 - 01/02/2024

Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, một số bản làng của người Mông ở vùng cao xứ Thanh lại tổ chức lễ hội làm bánh dày đón Tết. Đây là món bánh truyền thống, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, đất trời và dùng để đãi khách quý khi đến nhà.

Những người thực hiện việc giã bánh dày bao giờ cũng là những chàng trai người Mông lực lưỡng, khỏe mạnh. Mỗi lượt giã sẽ có 2 người, những cánh tay thoăn thoắt đưa chày lên rồi hạ xuống sẽ làm mềm nhuyễn từng hạt xôi. Khi họ đã thấm mệt thì lại chuyển cho 2 người khác giã thay. Giã càng kỹ thì bánh dày làm ra càng nhuyễn, càng dẻo, càng ngon và để được càng lâu. Tuy nhiên cũng không thể giã quá lâu, vì khi xôi đã nguội thì việc giã bánh sẽ khó hơn và gạo sẽ không nhuyễn được nữa. Khi giã xong, nặn cái bánh đầu tiên là để cúng tổ tiên, những cái còn lại mới để cho mọi người cùng ăn và làm quà cho khách đến thăm. Bên mâm cỗ, cùng nâng chén rượu ngô thơm nức thì bánh dày luôn là một món ăn hấp dẫn. Ngoài dịp tết, bánh dày của đồng bào Mông còn được làm vào dịp cưới hỏi, tết Trung thu là nét đẹp, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV