Hội trang trại và làm vườn Thanh Hóa - Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân

15:26 - 22/02/2023

Với mục tiêu hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động nhằm giúp hội viên, người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây con mới vào sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng an toàn sinh học, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Từ năm 2019 gia đình ông Lê Quang Toan, thôn ốc Thôn, xã Thăng Long, huyện Nông Cống đã đầu tư nhà lưới để trồng rau thủy canh. Trồng rau theo phương pháp này phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống cao và rút ngắn thời gian thu hoạch so với trồng rau trên đất. Cây rau không phải phun bất kỳ loại thuốc kích thích hay phòng ngừa sâu bệnh nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với trồng rau thủy canh, gia đình trồng thêm dưa baby, nuôi ốc nhồi để tăng thêm thu nhập. Đồng hành cùng gia đình trong áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất chính là Hội làm vườn và trang trại các cấp.         

Hội trang trại và làm vườn Thanh Hóa – Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân  - Ảnh 2.

Ông Lê Quang Toan, thôn ốc Thôn, xã Thăng Long, huyện Nông Cống cho biết: "Rau thủy canh thuận lợi là an toàn về chăm bón, thuốc trừ sâu không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Lao động mang tính chất công nghệ nên đỡ vất vả, nắng mưa ở trong nhà hết. Thu nhập tạm ổn cho gia đình."

Hội trang trại và làm vườn Thanh Hóa – Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân  - Ảnh 3.

Ông Lê Trí Đức, Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại Nông Cống

Ông Lê Trí Đức, Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại Nông Cống cho biết thêm: "Hội đã phối kết hợp với phòng nông nghiệp mở các lớp khuyến nông trong sản xuất và chăn nuôi đã được hội viên hưởng ứng tích cực đặc biệt là mô hình trồng rau trong nhà lưới và chăn nuôi đẹm lót sinh học. Từ đó, hiệu quả kinh tế rất là cao, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tiêu thụ rất là tốt."

Trong những năm qua, Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Thông qua các chương trình dự án, sinh hoạt câu lạc bộ, Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa đã chuyển giao nhiều kiến thức bổ ích cho hội viên về sản xuất nông nghiệp an toàn. Các mô hình do Hội làm vườn và trang trại chuyển giao như: làm hầm bioga, sản xuất phân vi sinh từ rơm rạ, chăn nuôi trên đệm lót sinh học... đã được nhiều hội viên trong tỉnh áp dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ hội viên xây dựng một số mô hình nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi ốc nhồi, chăn nuôi gia cầm tập trung...

Hội trang trại và làm vườn Thanh Hóa – Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân  - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Thọ Hải, Nhân viên kỹ thuật công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Thiên Bảo, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương chia sẻ: "Được sự phối hợp với Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa, công ty chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con liên kết với công ty. Trung bình một năm bao tiêu trên 200 tấn thương phẩm. Con ốc ăn thức ăn xanh, trong quá trình nuôi sẽ đảm bảo kỹ thuật cho bà con chăn nuôi."

Bên cạnh hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo. Năm 2018, sau khi được Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp Thanh Hóa chuyển giao kỹ thuật, Hội làm vườn và trang trại đã đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt các trang thiết bị, máy móc, tiến hành nuôi cấy nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo trên nền cơ chất tổng hợp các nguyên liệu gồm gạo lứt, nhộng tằm và một số hỗn hợp khác. Không dừng lại ở đó, năm 2019, hội đã cử cán bộ đi đào tạo nâng cao về kỹ thuật sản xuất nấm đông trùng hạ thảo có hoạt chất sinh học cao tại Viện Công nghệ sinh học lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Theo đó, các cán bộ kỹ thuật của hội đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ sản xuất giống đến khâu nuôi trồng. Việc chăm sóc, nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi hỏi phải đúng kỹ thuật và khoa học, nếu không sản phẩm sẽ không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đến nay, Hội làm vườn và trang trại đã làm chủ quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo theo điều kiện thực tế tại địa phương. Thành công này đã mở ra một cơ hội nghề mới có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên. Hiện nay mỗi tháng, hội sản xuất khoảng 4.000 hộp nấm đông trùng hạ thảo tươi, với giá bán từ 150 - 200 nghìn đồng/hộp. Ngoài cung cấp sản phẩm nấm tươi, Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa cũng đã đầu tư máy sấy, đa dạng hóa các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo cung ứng cho thị trường.

Hội trang trại và làm vườn Thanh Hóa – Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân  - Ảnh 5.

Hội trang trại và làm vườn Thanh Hóa – Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân  - Ảnh 6.

Thạc sỹ nông nghiệp Ngô Ngọc Cảnh, Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa

Thạc sỹ nông nghiệp Ngô Ngọc Cảnh, Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa cho biết: "Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo phải tuân thủ quy trình về an toàn thực phẩm. Nấm đông trùng hạ thảo có thể phát triển được phải tuân thủ về nhiệt độ, ánh sáng..."

Từ hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian tới Hội làm vườn và trang trại tỉnh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học.Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, hầm biogas...

Hội trang trại và làm vườn Thanh Hóa – Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân  - Ảnh 7.

Hội trang trại và làm vườn Thanh Hóa – Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân  - Ảnh 8.

Ông Trần Đức Năng, Phó chủ tịch Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa

Ông Trần Đức Năng, Phó chủ tịch Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa cho biết thêm: "Thời gian tới phát huy lợi thế và kết quả, cụ thể cải tạo vườn tạp, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, nuôi giun quê cải tạo đất… sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thuận thiên theo chuỗi giá trị là vấn đề mà hội triển khai một cách sâu rộng và phổ biến."

Để phát triển bền vững, hiện nay nhiều địa phương đang tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp, sản xuất theo phương pháp hữu cơ, hạn chế tối đa các loại phân bón hóa học và các loại hóa chất trong nông nghiệp. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa sẽ giúp bà con nông dân từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.  

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ 20/02/2023