Hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh

11:31 - 28/05/2023

Khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã đã và đang tham gia tích cực vào việc phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên khu vực kinh tế này đang “loay hoay” giải bài toán khó về thiếu vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm 2022, toàn tỉnh mới có 16 hợp tác xã tiếp cận được với nguốn vốn vay của các ngân hàng tín dụng với tổng dư nợ đạt 73,5 tỉ đồng.

Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân đầu tư xây dựng trên 30 nghìn m2 nhà lưới với tổng giá trị trên 9 tỉ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện hợp tác xã rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng vì đất đang sở hữu là đất thuê nên không thể thế chấp ngân hàng. Các thành viên hợp tác xã phải thế chấp tài sản cá nhân với thời hạn vay ngắn và lãi suất cao để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Tính đến ngày 15/5/2023, toàn tỉnh có 1.306 hợp tác xã đang hoạt động. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa, trong năm 2022 chỉ có 16 khách hàng là thành viên hợp tác xã vay vốn của các tổ chức tín dụng ngân hàng, với tổng doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến hết năm là 150 tỉ đồng, tổng dư nợ đạt 73,5 tỉ đồng. 

Hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh

 - Ảnh 2.

Năm 2022, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thuộc Liên mình hợp tác xã Thanh Hóa cũng chỉ cho vay đối với 57 dự án, phương án sản xuất kinh doanh của các hợp tác, tổng nguồn vốn là 17,28  tỉ đồng. Theo phân tích, sở dĩ các Hợp tác xã khó tiếp cận vốn tín dụng là do vốn điều lệ thấp, tài sản có giá trị lớn nhất là đất thì chủ yếu do nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất nên không thể sử dụng làm tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, sổ sách kế toán không rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay vì e ngại rủi ro.

Ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa

Để tiếp cận nguồn vốn và thụ hưởng các chính sách về tín dụng, bản thân các hợp tác xã  phải cơ cấu lại hoạt động, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, kinh doanh; lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả... Cùng với đó, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa cần tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung và hợp tác xã nói riêng theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV