Hưởng ứng Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2024
Hưởng ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2024, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa. Qua đó, tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích các hoạt động, phong trào vì môi trường.
Vào ngày 5, 6/10, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nông Cống đều đồng loạt ra quân hưởng ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch năm 2024. Tại xã Tế Thắng, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường, 100% các thôn đều huy động người dân với nòng cốt là hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động, như sạch từ nhà ra ngõ, phân loại rác tạo nguồn, biến cỏ dại thành cây xanh, sạch làng, đẹp xóm. Thông qua các hoạt động này góp phần giúp xã hoàn thành tiêu chí môi trường, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.

Bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Yên Cách, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Thôn làm tốt công tác vệ sinh môi trường như: trồng cây xanh thay cỏ dại, trước 1 tháng 1 lần, nhưng gần đây 1 tuần 1 lần, toàn dân tham gia cùng chi hội phụ nữ, không chỉ làm nơi công cộng và đường, còn chăm lo nhà sạch vườn đẹp, 5 không 3 sạch".


Ông Trần Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa
Ông Trần Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Ban chỉ đạo xã có nghị quyết vào chiều chủ nhật hàng tuần, 9/9 thôn đều ra quân. Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, phát động nâng cao nhận thức người dân nên hết sức quan tâm, nhà sạch vườn đẹp ngõ văn minh".
Với chủ đề "Hành trình xanh, cùng chung tay bảo vệ môi trường", trong Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã chung tay, góp sức thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực. Nổi bật là kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, chấm dứt việc xả thải không đúng quy định ra môi trường; chú trọng việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải nhựa ven biển và trên địa bàn dân cư; giảm thiểu phát sinh và tăng cường tái chế chất thải, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.

Ông Lê Ngọc Chinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Thời gian qua, các cấp công đoàn thành phố Sầm Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, công việc, tập trung chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp vệ sinh từ nhà ra ngõ, từ cơ quan, công xưởng đến nhà máy. Với đặc thù thành phố du lịch, các cấp công đoàn tập trung bảo vệ môi trường biển, hướng tới xây dựng thành phố Sầm Sơn trở thành điểm đến lý tưởng".


Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện chiến dịch cũng như các hoạt động thường niên bảo vệ môi trường. Đối với các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thì thực hiện hàng tuần, người dân chủ động vệ sinh tại nhà, trên các tuyến đường".
Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của thiên tai. Đồng thời, giúp hình thành ý thức sống thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển bền vững và kinh tế xanh tuần hoàn.
