Huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy khu vực miền núi phát triển

19:55 - 12/10/2019

(TTV) - Thời gian qua, tỉnh đã tập trung, huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực các huyện miền núi, trong đó, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm giao thông, thủy lợi, điện lưới... góp phần tăng cường giao thương, tạo động lực thúc đẩy khu vực miền núi phát triển.

 

Đột phá lớn nhất ở các huyện miền núi là cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường giao thông huyết mạch như: đường nối các huyện phía Tây Thanh Hóa, đường giao thông từ xã Pù Nhi đi xã Mường Chanh, huyện Mường Lát,  mở rộng, nâng cấp đường Hồi Xuân - Tén Tằn; mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 217, quốc lộ 47; nâng cấp, cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã và liên xã... Đến nay, tất cả các xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã ; 75% đường giao thông thôn, bản được cứng hóa theo tiêu chuẩn của Bộ giao thông vận tải.

Cùng với việc phát triển mạng lưới đường giao thông, đến nay, 100% số xã ở các huyện miền núi đã được dùng điện lưới Quốc gia, 100% số xã có mạng truyền dẫn quang và được phủ sóng thông tin di động.

Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng thủy lợi, cung cấp nước sạch… cũng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong giai đoạn 2014 - 2019, tổng nguồn vốn từ các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước là khoảng 8.300 tỷ đồng. Các chương  trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, chương trình 134, 135, dự án định canh định cư... đã được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên sự khởi sắc cho các địa phương miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Quá trình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội ở khu vực miền núi, dân tộc ghi nhận sự nỗ lực cố gắng và nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế và phân tán, đến nay các huyện miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Trung ương, của tỉnh và sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở khu vực này.

Cẩm Thơ - Xuân Sơn - Mạnh Tuấn

Theo Bản tin Thời sự Tối/TTV